MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông -Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 12.5.2021, với chiều dài 22,95km và tổng mức đầu tư 1.486 tỉ đồng. Ảnh: Diệu Anh

Cận cảnh thi công tuyến đường "4 trong 1" gần 2.000 tỉ đồng ở Ninh Bình

DIỆU ANH LDO | 05/08/2023 10:41

Ninh Bình - Được xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường Đông - Tây tại Ninh Bình hiện đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng tiến độ, mở ra không gian mới để phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ của tỉnh Ninh Bình.

Được khởi công từ tháng 3.2022, tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) được quy hoạch với chiều dài 22,95 km, điểm đầu là điểm cuối của dự án xây dựng đường Đồng Giao, (thành phố Tam Điệp) và điểm cuối tại nút giao đường Quốc lộ 12B và đường Đồng Phong - Cúc Phương ( thuộc xã Văn Phong, huyện Nho Quan). Ảnh: Diệu Anh
Quy mô trước mắt tuyến đường được thiết kế 4 làn xe, việc giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh bề rộng nền đường là 70m. Riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc - Nam có quy mô 8 làn xe hoàn thiện theo quy hoạch đô thị thành phố Tam Điệp. Dự án được UBND tỉnh Ninh Bình giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Ảnh: Diệu Anh
Ngày 12.7.2023, HĐND tỉnh Ninh Bình đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 1.913,7 tỉ đồng. Tuy nhiên dự án phát sinh điều chỉnh là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng, về quy mô dự án, quy mô giải phóng mặt bằng không thay đổi, quá trình thực hiện điều chỉnh dự án từ nhóm B lên nhóm A và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Ảnh: Diệu Anh
Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 20,2/22,9 km. Trong đó, địa phận thành phố Tam Điệp đã bàn giao được được 6,627/6,627 km và địa phận huyện Nho Quan đã bàn giao được 13,64/16,3 km (đạt khoảng 83,66% diện tích giải phóng mặt bằng). Ảnh: Diệu Anh
Đến thời điểm hiện tại, khối lượng thi công xây lắp các hạng mục của dự án ước đạt: 75,0 tỉ đồng/735,391 tỉ đồng. Ảnh: Diệu Anh
Với mục tiêu phấn đấu thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến trong năm 2023, chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung vật tư, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ với các mũi thi công. Đồng thời, đề nghị các địa phương sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư làm cơ sở để chỉ đạo thi công. Ảnh: Diệu Anh
Ngày 27.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa hiện trường và nghe báo cáo về tiến độ thi công tuyến đường Đông - Tây của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh
Tại buổi khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Ninh Bình đã khởi công, triển khai giai đoạn 1 của dự án. “Tuyến đường Đông-Tây có vai trò rất quan trọng với tỉnh Ninh Bình, là tuyến đường “4 trong 1” để phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, góp phần giảm tải cho thành phố Ninh Bình và các địa phương khác của tỉnh Ninh Bình” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Ảnh: Diệu Anh
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, khi Ninh Bình triển khai dự án xây dựng tuyến đường Đông- Tây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đánh giá rất cao bởi dự án không chỉ có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà sẽ là tuyến đường kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường QL1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam... mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng… góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông quốc gia. Ảnh: Diệu Anh
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) vào ngày 3.8. Ảnh: Diệu Anh
“Thông thường những dự án nhóm A sẽ có thời gian thực hiện trong 5 năm, nhưng dự án đường Đông - Tây đã rút ngắn thời gian thực hiện trong 3 năm. Bởi đây là dự án đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn” - ông Ngọc cho hay. Ảnh: Diệu Anh
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc mong rằng, trên tinh thần dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung của tỉnh, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đoàn kết, nỗ lực cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo thêm động lực quan trọng để Ninh Bình xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có chiến lược phát triển hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, mở ra dư địa thu hút đầu tư, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Diệu Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn