MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh "tường núi" dự kiến làm phù điêu hơn 86 tỉ ở Bình Định

NGUYỄN TRI LDO | 17/09/2019 15:04

Công trình phù điêu tạc vào vách núi “Lạc Long Quân - Âu Cơ” dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng, thời gian thực hiện công trình từ năm 2020-2022. Trong đó, nguồn ngân sách hơn 34 tỉ, kêu gọi tài trợ xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 51 tỉ đồng.

 
Theo Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) tỉnh Bình Định, vị trí bức phù điêu nằm ở vách núi Bà Hỏa, nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, dẫn vào Trung tâm TP. Quy Nhơn.
 
Theo phương án được đưa ra, công trình sẽ cắt sâu vào núi (khoảng 20 đến 25m) tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm ngang sẽ dùng để xây dựng Quảng trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Phù điêu sẽ có tổng chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m (tính từ cốt sân); hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ có diện tích 3.000m2.
 
Phù điêu được khắc họa 03 lớp, thời gian thực hiện công trình từ năm 2020-2022, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng; trong đó, nguồn ngân sách là hơn 34 tỉ đồng.
 
“Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, việc hình thành tác phẩm sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế” - Sở VH-TT thông tin.
 
Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Vũ Hoàng Hà, muốn đặt ở vị trí hiện nay, cần ưu tiên quy hoạch cơ sở hạ tầng. Chưa hết, quảng trường đủ diện tích để người dân vui chơi an toàn, không đặt sát đường vì rất dễ gây tai nạn.
 
Cũng theo ông Hà, hiện ý tưởng tạc phù điêu chủ đề Lạc Long Quân - Âu Cơ có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, vì vậy nên lắng nghe ý kiến của các nhà sử học, các bộ ngành liên quan...
   
Cựu Bí thư Bình Định cũng cho rằng, công trình phù điêu tạc vào vách núi cần lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
  
“Công trình này dựa vào vách núi, cần nghiên cứu loại đá ở đây có đủ tiêu chuẩn không, cắt sâu thì có bền vững muôn đời hay chỉ 1,2 nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ sạt lở, hư hỏng” - ông Hà nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn