MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh tối tăm trong những tập thể cũ, khách sạn cổ trên đất vàng ở Hà Nội

Ngọc Thùy - Thiện Nhân LDO | 03/10/2023 19:23

Có tuổi đời lên đến hàng chục năm, những nhà tập thể cũ hay khách sạn cổ nằm lọt thỏm giữa lòng Hà Nội là nơi ở của nhiều gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống. Trong đó đa phần các căn hộ đã xuống cấp, ẩm thấp và chật chội khác xa với vẻ sầm uất, nhộn nhịp bên ngoài của phố cổ.

Tại nhà tập thể cũ ở số 43 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), theo chia sẻ của người dân, công trình này có từ thời Pháp cổ, sau đó được nhà nước đầu tư xây lại từ năm 1988 và hoàn thành một năm sau đó. Công trình gồm 3 tầng, mỗi tầng có khoảng 7 căn hộ sinh sống.
Bên dưới tầng một, các hộ dân tập trung khai thác mặt bằng để kinh doanh, còn bên trên cuộc sống người dân như tách biệt hoàn toàn với vẻ sôi động của phố cổ bên ngoài.
Trao đổi với Lao Động, bà T. (tên nhân vật đã được thay đổi, trú tại số 43 Hàng Buồm) chia sẻ, dù nhà tập thể này đã tồn tại hơn 30 năm và thường xuyên xuất hiện các dấu vết xuống cấp nhưng người dân đều không muốn rời đi. Lý do là bởi, việc làm ăn, buôn bán vô cùng thuận lợi khi phố Hàng Buồm lúc nào cũng nhộn nhịp bất kể ngày đêm.
“Nhưng đó là đối với các hộ tại tầng một, còn các hộ trên tầng 2 và tầng 3 cuộc sống vẫn khá bí bách và chật chội bởi các hộ đa phần đều có nhiều thế hệ cùng chung sống trong một phần diện tích chỉ khoảng 15 – 20m2”, bà T chia sẻ. Ảnh chụp dãy hành lang chung tối tăm trên tầng 3 của công trình.
Theo tìm hiểu, dù công trình có hàng chục hộ dân sinh sống, nhưng chỉ tồn tại duy nhất một nhà vệ sinh chung nằm dưới tầng một. Để giải quyết nhu cầu cá nhân, không ít hộ tại số 43 phố Hàng Buồm phải thay phiên hoặc thậm chí nhường nhau nhà vệ sinh để tránh gây mâu thuẫn, cãi vã.
Ngoài ra, việc ô nhiễm tiếng ồn từ các nhà hàng, quán bar cũng là một vấn đề khiến không ít gia đình ở đây cảm thấy bất tiện.
Còn tại căn nhà tập thể trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm) trước đây từng là khách sạn cao cấp được xây dựng từ thời Pháp, nhưng hiện nay được nhiều hộ gia đình phân chia diện tích các phòng để ở.
Người dân sống tại đây chia sẻ, công trình có tuổi đời lên đến 80 năm và có khoảng 7 hộ đang sinh sống, trong đó chủ yếu là người cao tuổi nên cũng không có nhu cầu cơi nới hay chuyển đi.
Được biết, những căn nhà ở đây được người dân phân chia lại từ những phòng khách sạn trước đây, chính vì vậy chúng không đồng bộ về diện tích. Trung bình mỗi căn có diện tích từ 10 – 30m2.
Do không gian chung đi lại khá tối tăm, nên mới đây người dân đã chung tay lắp đặt hệ thống đèn tự động nhưng tình trạng không mấy cải thiện.
Các mảng tường của công trình đã bong tróc, nứt vỡ dù nhiều lần được người dân bỏ tiền tu sửa.
Đất phố cổ được mệnh danh là một trong những khu vực có giá đắt đỏ bậc nhất Thủ đô, nhưng thực tế hiện nay, nhiều hộ gia đình sinh sống tại khu vực này lại có đời sống tạm bợ dưới mức cơ bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn