MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua xã Mỹ Yên (Bến Lức, Long An) vắng lặng nhiều năm. Ảnh: Hữu Chánh

Cao tốc 30.000 tỉ đồng qua Long An dang dở, có đoạn thành nơi thả bò

HỮU CHÁNH LDO | 28/08/2023 18:20

Sau 9 năm xây dựng, gần 5 km cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Bến Lức (Long An) vẫn còn dang dở, không có hoạt động thi công, người dân tận dụng khu đất trống chăn thả bò.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km, vốn đầu tư sau điều chỉnh hơn 30.000 tỉ đồng, khởi công tháng 7.2014, dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên, hơn ba năm qua phải dừng thi công do khó khăn về nguồn vốn, chính sách, nhà đầu tư xin lùi thời gian hoàn thành dự án đến năm 2023 và mới đây nhất là quý III/2025.
Hiện nay, 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu đang xây dựng. Còn 4 gói thầu các nhà thầu chấm dứt hợp đồng từ năm 2019 và đang được đấu thầu lại. Công trình đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài gần 5 km, điểm đầu ở nút giao cao tốc TPHCM - Trung Lương và Vành đai 3 TPHCM (xã Mỹ Yên, Bến Lức). Sau 9 năm xây dựng, hình hài nút giao dần được hiện rõ nhưng vẫn còn dở dang, hiện không có hoạt động thi công.
Các nhánh cầu dẫn ở nút giao này đang xây dở nằm trơ trọi, nhiều đoạn bê tông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày.
Từ nút giao với cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sau đó sẽ chạy cắt ngang đường Hương lộ 10 (xã Mỹ Yên, Bến Lức).
Hầm chui qua khu dân cư vẫn chưa hoàn thiện, rêu mốc bám đen, bị vẽ bậy xung quanh.
Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua xã Mỹ Yên vẫn dở dang, chưa làm xong mặt đường.
Khu vực này trở thành nơi chăn thả bò của người dân.
Một đoạn cao tốc đã trải nhựa, chưa kẻ vạch đường. Do dừng thi công từ lâu, hàng loạt lối tự phát được người dân mở ra để đi tắt qua khu vực.
Tấm lưới chống lóa trên dải phân cách đã được lắp đặt. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều đoạn lưới đã bị mất cắp.
Trụ biển chỉ dẫn, lan can, hệ thống chiếu sáng đã được lắp đặt song chưa hoàn thiện.
Người dân ấp 7A (xã Mỹ Yên, Bến Lức) đi bộ thể dục buổi chiều trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. "Mấy năm nay, không thấy hoạt động thi công trên tuyến đường này. Người dân tận dụng một số đoạn đường để đi lại giữa hai địa phương, tập thể dục..." - chị Nguyễn Thị Vân (33 tuổi) cho hay.
Điểm giáp ranh giữa địa phận huyện Bình Chánh (TPHCM) và xã Mỹ Yên (Bến Lức, Long An). Hướng từ Long An qua TPHCM bị chặn lại bởi các khối bê tông. Ở chiều ngược lại, người dân có thể di chuyển qua lại giữa hai địa phương. Người dân trong vùng có thể chạy xe vào để đi tắt ra quốc lộ 1A.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua Long An, TPHCM và Đồng Nai. Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính, chia thành ba đoạn đầu tư độc lập. Trong đó, 5 gói đoạn phía Tây (A1, A2-1, A2-2, A3, A4) dùng vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ba gói đoạn giữa (J1, J2, J3) dùng vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ba gói còn lại ở phía Đông (A5, A6, A7) dùng vốn từ hiệp định vay ADB lần hai.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển, sân bay Long Thành. Dự án khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn