MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cây trôm mõ 150 tuổi ở Bình Dương khiến dân mạng phát sốt

ĐÌNH TRỌNG LDO | 01/03/2024 15:25

Hai ngày qua, hình ảnh cây trôm mõ ở Bình Dương được nhiều người chia sẻ. Cùng với đó là thông tin cho rằng cây trôm tuổi đời lên đến 150 năm và vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Đây là hình ảnh cây trôm mõ (tên khoa học Sterculia foetida L.) gây chú ý ở Bình Dương những ngày qua. Cây trôm mõ này ở khuôn viên sân trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương (thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) - một trong những trường học lâu năm nhất ở tỉnh Bình Dương.
Cây trôm mõ (lấy mủ làm thực phẩm uống giải khát, thanh lọc cơ thể) bên bờ sông Sài Gòn, bình thường ít ai chú ý. Điều khiến dư luận quan tâm là thông tin cây trôm mõ có tuổi đời lên đến 150 năm và vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Lợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương xác nhận, nhà trường đã lập hồ sơ về cây trôm mõ để đề nghị xét duyệt và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xác nhận cây trôm mõ này là Cây di sản Việt Nam.
Về độ tuổi của cây trôm mõ này, theo các thầy cô gắn bó với trường, thì cây có tuổi đời khoảng 150 năm. Cây được trồng trước thời điểm thành lập trường là năm 1901 (đến nay trường có lịch sử là 123 năm).
Ông Lê Quang Lợi cho biết, từ lời kể của các thầy cô gắn bó với trường và các vị cao niên ở lân cận có thể xác định cây trôm mõ được trồng trước khi thành lập trường và đến nay cây có độ tuổi 150 năm.
Về lịch sử phát triển của vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương hiện nay xác định khoảng trên 300 năm. Như vậy, cây trôm mõ cũng đã trải qua bao thăng trầm gắn với Thủ Dầu Một 150 năm.
Theo ghi nhận, hiện nay ở thành phố Thủ Dầu Một cũng rất ít công trình, kiến trúc, cây xanh có độ tuổi trên 100 năm còn hiện hữu. Việc xác định cây trôm này có độ tuổi 150 năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, văn hóa và bảo vệ tự nhiên tại thành phố.
Đáng chú ý, cách đây vài năm dự án làm đường Bạch Đằng ven sông Sài Gòn được thực hiện. Vỉa hè đường theo thiết kế sẽ vượt qua cây trôm mõ. Khi đó, nhà trường đã tính đến việc bảo vệ cây, đề xuất đến các cơ quan thay vì vỉa hè 4 m, thì chỉ làm vỉa hè 2 m thôi để không ảnh hưởng đến cây. Rất may, thành phố đã tiếp nhận thông tin và dành không gian để cây tồn tại cho đến ngày nay.
Theo lời kể của các thầy cô, trước đây chưa có đường Bạch Đằng, cây trôm mõ nằm sát bờ sông, nhiều học sinh thường nghỉ mát, trò chuyện, vui đùa dưới gốc cây.
Cây trôm mõ đến nay vẫn xanh tốt, cây có chu vi thân chính 3,2 m; chu vi gốc cây 5,2 m;
Cây có chiều cao khoảng 25 m; đường kính tán khoảng 25 m.
Thân cây trôm với bề mặt gồ ghề, xù xì được bao bọc xung quanh bởi rất nhiều loại cây sống tầm gửi, cây có nhiều nhánh to hướng về các phía, phần rễ hướng về sân trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn