MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiêm ngưỡng con rồng bằng bạc làm hơn 10 năm chưa hoàn thiện

Hải Nguyễn LDO | 10/02/2024 15:00

Mỗi lần có khách muốn mua con rồng bằng bạc được gia đình anh Tuấn Anh làm cách đây hơn chục năm, anh đều từ chối bán với lý do sản phẩm chưa hoàn thiện.

Con rồng thời Lý bằng bạc được nghệ nhân Quách Văn Trường và các thành viên của gia đình kỳ công chế tác trong hơn 1 tháng, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. “Đây là sản phẩm dạng hình khối 3D đầu tiên của làng nghề đậu bạc Định Công. Ý tưởng và nguyên mẫu được dựa trên rồng thời Lý, có kích thước dài khoảng 40cm, chiều cao khoảng trên 10cm và được ghép tỉ mỉ từ hàng vạn chi tiết, tạo nên hình dáng con rồng sinh động” - anh Quách Tuấn Anh, con trai út của nghệ nhân Quách Văn Trường chia sẻ.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện sản phẩm trước ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, nghệ nhân Quách Văn Trường đã chia ra các công đoạn sản phẩm để các thành viên trong gia đình cùng làm. Chiếc khay nhỏ đựng bột bạc dùng để liên kết các chi tiết bằng nhiệt.
Việc chế tác một sản phẩm dạng hình khối bằng bạc đòi hỏi người nghệ nhân phải tính toán các chi tiết, hình khối một cách chính xác, tỉ mỉ. Những mối hàn siêu nhỏ kết dính các chi tiết cần độ chính xác gần như tuyệt đối. Sản phẩm khi hoàn thiện với đường uốn lượn mềm mại, chi tiết ghép phải kín và đủ chắc.
Xưởng đậu bạc của gia đình anh Tuấn Anh nằm bên trong đền thờ tổ nghề kim hoàn, với khoảng 10 thợ kim hoàn. Anh Tuấn Anh tiếp quản nghề truyền thống của gia đình từ bố là nghệ nhân Quách Văn Trường từ năm 2003, sau khi anh tốt nghiệp đại học.
“Lĩnh hoa Yên Thái/ đồ gốm Bát Tràng/thợ vàng Định Công/thợ đồng Ngũ Xã”, đó là những câu nói mô tả về 4 làng nghề truyền thống đất kinh thành Thăng Long xưa. Nghề đậu bạc làng Định Công nổi tiếng từ xa xưa qua bàn tay khéo léo của thợ kim hoàn của làng.
Chị Nguyễn Thị Lan, người có kinh nghiệm 20 năm làm nghề chạm bạc ngồi trước chiếc bàn nhỏ với những khung xương định hình bằng bạc. Chị Lan vừa trao đổi với phóng viên báo Lao Động, tay vẫn thoăn thoắt uốn lượn những sợi bạc mỏng như sợi tóc tạo nên những cánh hoa đơn sắc đẹp một cách kỳ lạ. “Người thợ kim hoàn dùng cảm giác từ những đầu ngón tay để uốn lượn những sợi bạc mỏng manh vào đúng khuôn hình đã dựng sẵn” - chị Lan bày tỏ.
Nơi làm việc của những thợ nghề đậu bạc khá đơn sơ. Một chiếc bàn nhỏ, đèn chiếu sáng điểm, những chiếc kìm mỏ nhọn, nhíp và đèn khò. Những người thợ kim hoàn như chị Lan, anh Đạt, anh Sơn trong xưởng của Tuấn Anh bằng bàn tay khéo léo của mình đang hằng ngày tạo nên những sản phẩm đậu bạc tinh xảo, lưu giữ một trong những nghề của đất kinh thành Thăng Long xưa.
Anh Tuấn Anh cầm chiếc đèn khò hoàn thiện những chi tiết của chiếc bình hút lộc mà khách đã đặt hàng từ gần 1 năm trước. Sản phẩm dạng hình khối từ nghề đậu bạc có hàng vạn chi tiết rất nhỏ, được gắn với nhau bằng chính những vẩy bạc qua nhiệt của đèn khò.
“Sản phẩm rồng thời Lý với tâm huyết của cả gia đình cùng các thợ kim hoàn làm nên nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội; tôi muốn lưu giữ nó như một kỷ vật của làng nghề đậu bạc Định Công thay vì bán cho những nhà sưu tập, đó là một trong những lý do tôi chưa bao giờ hoàn thiện sản phẩm”, anh Quách Tuấn Anh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn