MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc ấn vàng "Sắc Mệnh Chi Bảo" nặng 8,3kg, được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng 10 tuổi). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Chiêm ngưỡng những chiếc ấn vàng triều Nguyễn là bảo vật quốc gia

Tường Minh LDO | 24/10/2022 07:00
Huế - Chiêm ngưỡng những chiếc ấn vàng triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo 

Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, kích thước như sau: cao 6,3 cm; dài cạnh 10,84 cm; dày 1,10 cm; trọng lượng 2.350 gr.
Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương ở Sài Gòn, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo làm ấn truyền quốc dùng vào các việc nội vụ chính sự. Kim bảo này là bảo ấn truyền ngôi của các vua Nguyễn kế vị, nên được lưu giữ rất cẩn trọng.

Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo

Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo được đúc vào niên hiệu Minh Mệnh thứ 8 (1827), với chức năng là dâng tiến tên hiệu, huy hiệu cho các hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, là hiện vật gốc.
Ấn đúc bằng chất liệu vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông, quai là tượng rồng uốn khúc, đầu vươn về phía trước, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng.

Ấn Sắc mệnh chi bảo

Ấn Sắc mệnh chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng 10 tuổi), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt trong tổng số 85 chiếc ấn của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Ấn Sắc mệnh chi bảo là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều.

Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ

Đây là ngọc tỷ quan trọng bậc nhất trong bộ sưu tập Bảo vật của triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đây là Ngọc tỷ thứ ba của vua Thiệu Trị, cũng là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn. Bản thân nhà vua làm lễ Đại tự cho khắc chữ trên mặt ấn Ngọc tỷ này không chỉ dùng trong đại lễ Tế Giao hàng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, được bảo vệ và quý trọng như ấn Kim bảo truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn