MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện cây bàng đá cô đơn 400 năm tuổi ở miền Tây

PHONG LINH LDO | 22/12/2022 08:39
Sóc Trăng - Mất đi người bạn tri kỷ, cây bàng đá ở Đình thần Phụng Tường (huyện Long Phú) vẫn sinh trưởng tốt và trở thành vật hiếu kỳ cho du khách mỗi khi đến tham quan miền Tây.

Khi đến Đình thần Phụng Tường (tỉnh Sóc Trăng) khách tham quan không chỉ được thả hồn vào không gian tĩnh lặng, mát mẻ mà còn choáng ngợp với gốc cây cổ thụ to hàng trăm năm tuổi. Kỳ thực, gốc cây này được xem là báu vật của làng với cái tên dân dã "cây bàng đá cô đơn".
Cây bàng đá cao trên 40m, chu vi cây trên 10m, bộ rễ to vĩ đại ước trên 20m trồi lên mặt đất. Cây có tán lá rộng và xanh tốt phủ dài khuôn viên sân đình. Thân cây cũng có nhiều u nần sần sùi trông rất lạ mắt. 
Trông coi đình nhiều năm, ông Trần Văn Hai cho biết, lúc ông sinh ra, cây bàng đã có ở đấy và che chở bà con địa phương. Bà của ông Hai năm nay đã gần trăm tuổi cũng không biết cây này do ai trồng, chỉ được truyền tai là cây đã gần 400 tuổi.
 Lý giải về tên gọi cây bàng đá cô đơn, ông Hai chia sẻ: Trước đây, trong khuôn viên có tận 2 cây bàng nằm cạnh nhau, một cây to và một cây nhỏ, cả hai tán cây đều rộng lớn tạo sinh khí cho ngôi đình. Tuy nhiên, năm 2012, do quá trình thi công một công trình giao thông tại địa phương “cây bàng ông” bị ngập úng dẫn đến chết nên từ đó chỉ còn lại "cây bà" cô đơn này.
Có lúc, người ta cũng thấy cây bàng xác xơ trụi lá, nhưng rồi năm qua tháng lại, cây vẫn khỏe mạnh, cho ra nhiều trái và ươm mầm thành nhiều cây con. Thậm chí, cây bàng cô đơn còn là định vị để tìm hướng đi của nhiều khách thập phương khi đến đây.
 Cũng có thông tin, gốc của cây bàng ông được nhà ông Mai Kiên (72 tuổi, Sóc Trăng) mua về với giá cao để chế tác thành đồ mỹ nghệ. Gốc cây cũng được đánh giá thuộc hàng kỳ mộc Việt Nam. Nhưng điều khiến nhiều người tiếc nuối chính là hai cây tri kỷ giờ mỗi cây một hướng, một cây đã trở thành hàng trưng bày còn một cây vẫn bám rễ sống đời với người dân. 
Tháng 3 Âm lịch thường niên, dân miền Tây thường đổ về đình thần Phụng Tường để dâng hương và chiêm ngưỡng báu vật cổ. “Dù cho những nhánh già hay mục đều được cưa bỏ, nhánh cây to có được chế tác chục triệu, gốc bàng ông được giá tiền tỉ thì cây bàng bà này vẫn sống với chúng tôi. Bà con chúng tôi sẽ thay nhau chăm sóc để cây bàng đá bà không bị cô đơn, buồn tủi ” - ông Hai nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn