MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây trôm hơn 220 tuổi thuộc khuôn viên quần thể đình miếu xã Nghĩa Lộ. Ảnh: Mai Dung

Chuyện về cây Trôm di sản - báu vật của người dân vùng biển ở Hải Phòng

Mai Dung LDO | 02/03/2024 10:34

Trong quần thể đình, miếu xã Nghĩa Lộ (Cát Hải, Hải Phòng) hiện còn nhiều cây cổ thụ, phải kể đến cây Trôm hơn 220 tuổi được công nhận là cây di sản. Cây Trôm không chỉ là báu vật mà còn là niềm tự hào của người dân Nghĩa Lộ bởi nó gợi nhớ vị thành hoàng làng Hùng Sơn, người đã có công lớn dẹp giặc, bảo vệ xóm làng.

Ngày 4.9.2013, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có quyết định công nhận cây Trôm (có tên khoa học là Sterculia foetidaL) trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình, Miếu xã Nghĩa Lộ là cây di sản Việt Nam. Đây là cây xanh đầu tiên trên địa bàn huyện Cát Hải được công nhận là cây di sản. Đến nay, cây Trôm có tuổi đời hơn 220 năm.
Cây Trôm có chiều cao hơn 20 m, chu vi gốc là 7,2 m, đường kính gốc khoảng 2,5 m.
Tán cây phủ rộng hàng trăm mét, toả bóng mát cho khuôn viên sân Đình Nghĩa Lộ. Cây Trôm được người dân địa phương cho là cây linh thiêng vì nó gắn với truyền thuyết về đức thánh Hùng Sơn - là thành hoàng làng của làng Sò xưa, nay là xã Nghĩa Lộ. Vào thời Hùng Vương thứ 6 giặc Ân xâm lược nước ta, theo lời hiệu triệu của vua Hùng, Hùng Sơn - chàng trai người làng Sò thạo nghề sông nước, giỏi võ nghệ, đứng ra triệu tập dân binh, thành lập đội thủy binh, xin với vua Hùng đánh giặc xâm phạm vùng biển đông bắc của Tổ quốc. Đội quân của Hùng Sơn đánh nhiều trận, lập nhiều chiến công, làm chậm đường tiến của quân giặc. Trong một trận quyết chiến trên biển, trước thế giặc quá mạnh, Hùng Sơn đã anh dũng hi sinh. Thi thể Ngài trôi dạt về đảo quê hương được dân làng đã rước về chôn cất, sau dựng Miếu Đình tôn thờ.
Theo người dân địa phương, xưa trong quần thể đình miếu Nghĩa Lộ có 8 cây Trôm. Ở huyện Cát Hải cũng chỉ có xã Nghĩa Lộ mới có loại cây này. Nhưng do thời gian và sự khắc nghiệt của thiên tai nên hiện tại, quần thể đình miếu Nghĩa lộ cũng chỉ còn lại 2 cây. Một cây đã 220 năm tuổi nằm tại khu Đình chính là cây được công nhận là cây di sản, còn 1 cây nằm tại đền Tổ mẫu cũng đã có vài chục năm tuổi.
Cây Trôm quanh năm xanh tốt. Hoa của nó có màu đỏ, nở vào tháng 3, mùi rất khó chịu. Nhưng vì là cây linh thiêng, tránh gọi tên xấu nên người dân địa phương thường gọi là cây Thơm.
Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian, nhất là qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc, cây Trôm vẫn xanh tốt mà không hề bị xâm hại bởi con người cũng như thiên nhiên.
Phần rễ cây nổi lên có chu vi hơn 20 m. Cây Trôm di sản không chỉ có giá trị về mặt sinh thái mà còn có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học cũng như bảo tồn nguồn gen thực vật.
Ở trong khuôn viên quần thể Đình, miếu của Nghĩa Lộ không chỉ có cây Trôm hơn 220 tuổi này mà còn nhiều cây đại thụ cũng đã có từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi như cây gạo, cây đa tại miếu Tổ mẫu. Mới đây, cây gạo ở Miếu Tổ mẫu với tuổi đời hơn 350 năm cũng được công nhận là cây di sản. Nhằm bảo vệ di sản cũng như những giá trị thiên nhiên, môi trường, hiện nay xã Nghĩa Lộ đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn cây di sản và bảo vệ cây xanh, nhất là những cây đại thụ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn