MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có cầu vượt bộ hành thang máy, người bệnh không phải băng qua đường

Chân Phúc LDO | 06/06/2020 15:40
Mới đây, cây cầu vượt bộ hành có thang máy đầu tiên tại TPHCM đã chính thức được đưa vào sử dụng, hỗ trợ người dân, người bệnh thuận tiện trong việc di chuyển khi đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện Ung bướu TPHCM (quận Bình Thạnh).
Cầu vượt bộ hành có thang máy được xây dựng bắc qua đường Nơ Trang Long, nối khu vực điều trị nội trú và khu điều trị kỹ thuật cao, xạ trị gia tốc của bệnh viện Ung bướu. 
Cầu bộ hành mới có độ dài 22m, rộng 3m với độ tĩnh không tối thiểu đạt 4,75m, thang máy ở hai đầu nằm trong khuôn viên bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh di chuyển qua lại giữa 2 khu vực.
Bác sỹ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết hiện tại bệnh viện có 2 khu điều trị, song 2 khu vực bị ngăn cách bởi đường Nơ Trang Long. Chính vì vậy, việc xây dựng cầu vượt bộ hành có thang máy sẽ hỗ trợ rất lớn đối với bệnh nhân, người dân trong việc di chuyển qua lại giữa 2 khu vực, đảm bảo an toàn cho mọi người khi đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện, đồng thời giảm tải giao thông, tránh tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm trước cửa bệnh viện.
Hằng ngày, có hàng nghìn lượt người qua lại giữa 2 khu vực, việc cầu vượt bộ hành có thang máy đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ rất tốt cho người dân, người bệnh đến điều trị tại bệnh viện.  
Chị Nguyễn Thị Hương (quê Đắk Nông) đến chăm sóc người thân đang điều trị tại bệnh viện cho biết: "Tôi thường xuyên xuống đây chăm sóc người nhà, nhưng lần này khá bất ngờ với cầu vượt bộ hành có thang máy này, giúp người dân an tâm, tránh tình trạng phải băng qua đường, dễ dàng qua lại giữa 2 khu vực".
Cũng như chị Hương, anh Nguyễn Văn Long (Gò Vấp) tỏ ra khá bất ngờ với sự hiện diện của cây cầu. "Đây đúng là cây cầu vượt bộ hành hiện đại nhất thành phố mà tôi từng thấy, việc cây cầu có thang máy ở 2 đầu giúp việc di chuyển qua lại thật dễ dàng, đặc biệt đối với những bệnh nhân phải ngồi xe lăn, thật là ý nghĩa", anh Long nói. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều người dân vẫn theo thói quen băng qua đường mà không sử dụng cầu vượt bộ hành dù chỉ cách chân cầu chưa đầy vài mét.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn