MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân thất nghiệp chạy đôn chạy đáo đi tìm việc làm

ĐÌNH TRỌNG LDO | 10/08/2023 09:02

Công nhân thất nghiệp ở Bình Dương cầm hồ sơ chạy đôn chạy đáo khắp nơi gõ cửa doanh nghiệp tìm việc làm. Tuy nhiên, thời điểm này gần như các doanh nghiệp không tuyển lao động phổ thông, nhiều người mang nỗi thất vọng nặng trĩu ra về.

Những ngày qua, tại cổng Khu Công nghiệp VSIP I (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) từ sáng sớm đã có từng tốp 3 - 5 người đi tìm việc làm. Hầu hết họ là những lao động thất nghiệp, có người vừa mất việc, có người mất việc đã vài ba tháng.
Họ là những người đang cố gắng tìm việc làm mới để bám trụ lại Bình Dương, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo những công nhân, họ không thể về quê, vì lúc này ở quê cũng không có việc gì làm, cuộc sống còn vất vả hơn nữa.
Thấy bất kỳ nơi nào còn đề bảng tuyển dụng là người lao động tạt vào để hỏi. Tuy nhiên, câu trả lời của các doanh nghiệp đều là cái lắc đầu: không còn nhận nữa, đã ngừng tuyển, đủ công nhân rồi... Và rồi người lao động lại phải quay xe đi tiếp.
Mặc dù doanh nghiệp đã thông báo báo tạm thời ngưng tuyển nhưng người lao động vẫn hy vọng có một may mắn nào đó, cố đẩy cửa vào hỏi “ở đây còn tuyển lao động phổ thông không“?
Người vừa cố gõ cửa để hỏi tìm việc làm là anh Đỗ Ngọc An (40 tuổi, quê Bắc Kạn) đã thất nghiệp 2 tháng nay. Anh An đã đi qua nhiều khu công nghiệp tại Dĩ An, Thuận An, tìm nhiều khu có nhà máy nhưng không có việc làm. Hai tháng qua, ngày nào anh cũng đi gõ cửa các doanh nghiệp để tìm việc làm. "Chưa bao giờ tìm việc ở Bình Dương khó khăn như lúc này. Tôi dạo hết các khu công nghiệp nhưng không được tuyển dụng. Không dám mong lương cao, chỉ mong tìm được việc làm có thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng để lo cho vợ con qua thời điểm khó khăn này" - anh An tâm sự.
Còn đây là anh Nguyễn Xuân Việt (36 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng đã đi nhiều khu công nghiệp tìm việc làm. Anh Việt cho biết, có khu công nghiệp chỉ 2 công ty tuyển dụng nhưng công việc rất nặng. "Những công ty đang tuyển thì chủ yếu là thời vụ và công việc nặng nhọc, nhiều người vào rồi lại nghỉ. Những năm trước tôi có thể chọn công ty phù hợp để làm, nay tìm được việc làm, có thu nhập đã là may" - anh Việt nói.
Không trực tiếp tìm được việc làm ở doanh nghiệp, nhiều công nhân lao động tìm đến các công ty cung ứng lao động để nhờ giới thiệu vào các công ty.
Ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương cho biết, hiện nay khắp cả khu công nghiệp, các nhà máy đều giảm sản xuất. Cho nên nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà máy là gần như không còn. “Chỉ số ít nhà máy có đơn hàng đột xuất mới cần lao động thuê ngoài - lao động thời vụ. Còn lao động chính thức của các nhà máy cũng gần như là không đủ việc làm. Các nhà máy đều giảm giờ làm, hoặc cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cho nghỉ phép để duy trì lao động dự phòng. Những lao động không có chuyên môn rất dễ bị cắt giảm. Hiện nay người tìm việc rất đông, nhưng không có việc để cho họ làm. Các đơn vị cung ứng lao động cũng gần như đóng cửa, không có việc làm“- ông Lương cho biết.
Gõ cửa công ty cung ứng lao động nhưng cũng không có kết quả, nhiều người lao động gấp hồ sơ xin việc mang nỗi buồn lo nặng trĩu ra về.
Ước mong lớn nhất của họ là doanh nghiệp ở Bình Dương có nhiều đơn hàng trở lại, tuyển dụng lao động ồ ạt như trước, để ai cũng có việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống, lo được miếng ăn, cái mặc cho gia đình.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, thị trường châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp chỉ có đơn hàng tỉ lệ từ 30-50%. Tình hình chung hiện nay chưa có gì khởi sắc và trong 6 tháng cuối năm cũng như thế. Hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp tuyển dụng, số lượng chỉ khoảng hơn 3.000 lao động, tập trung lao động kỹ thuật, có tay nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn