MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cửa ra của Kinh thành Huế có ý nghĩa lịch sử đang bị lãng quên

NGUYỄN LUÂN - MINH THÁI LDO | 02/03/2024 09:09

HUẾ - Kinh thành Huế có tổng 13 cửa ra vào, trong đó có 11 cửa đường bộ, 2 cửa đường thủy và 1 cửa phụ nằm ở phía Đông Bắc. Tuy nhiên, vì là cửa phụ nên hầu như cửa thành này không được sử dụng đến, khiến công trình trở nên lạnh lẽo, hoang vu.

Như Lao Động đã thông tin qua bài viết “Độc đáo tên gọi của loạt 13 cửa ra vào Kinh Thành Huế”, trong đó nhắc đến tên gọi thú vị và câu chuyện lịch sử của 13 cửa ra vào Kinh thành Huế. (Trên hình là cửa Quảng Đức, cửa đường bộ ra vào Kinh thành).
Ngoài 12 cửa thành gồm: 10 cửa đường bộ, 2 cửa đường thủy; Kinh thành Huế còn có một cửa phụ nằm ở phía Đông Bắc, nó đã bị bỏ hoang, lãng quên suốt nhiều năm nay. (Trên hình là Tây Thành Thủy Quan, cửa đường thủy phía Tây Kinh thành).
Theo đó, cánh cửa phụ này có tên gọi là Trấn Bình Môn thuộc hệ thống Trấn Bình Đài, phía sau cửa là khu quân đội hay thường được gọi là Đồn Mang Cá Nhỏ.
Được xây dựng kiên cố bằng gạch vào năm 1836 (thời Minh Mạng), Trấn Bình Môn thuộc vòng tường thành của Kinh thành không phải là cửa thông ra ngoài thành mà là thông đến Trấn Bình Đài, là pháo đài phòng thủ của Kinh thành. Cửa này được trổ ra ở giữa đoạn thành nối hai pháo đài Bắc Định và Đông Bình (của Kinh thành) lại với nhau.
Trước mặt cửa là một cây cầu bằng đá bắc qua một hào nước sâu để vào địa phận Trấn Bình Đài.
Năm 1885, quan đại thần Tôn Thất Thuyết chỉ huy 20.000 quân tập kích vào đồn Mang Cá, tấn công 1.400 quân Pháp. Cuộc tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rút về Tân Sở (Quảng Trị) hạ chiếu Cần Vương.
Một năm sau, Toàn quyền Pháp ép nhà Nguyễn nhường thêm một khu đất tiếp giáp ở trong Kinh thành để quân đội Pháp xây dựng doanh trại, đồn bốt. Người Huế gọi khu mở rộng này là Mang Cá Lớn và Trấn Bình đài cũ là Mang Cá Nhỏ.
Sau năm 1954, đồn Mang Cá tiếp tục trở thành trại lính lớn của quân đội Sài Gòn. Huế năm 1968, trong trận Mậu Thân, đây là nơi chứng kiến một trong những trận giao tranh ác liệt nhất thời kháng chiến chống Mỹ.
Sau năm 1975, khu vực đồn Mang Cá Lớn trở thành doanh trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, trong khi một phần Mang Cá Nhỏ trở thành khu dân cư, phần còn lại bị bỏ hoang.
Tọa lạc bên khúc ngoặt của sông Hương ở phía Đông Bắc Kinh thành Huế, nơi đây là một công trình cổ từng có vai trò đặc biệt quan trọng về mặt quân sự của Huế, nhưng ngày nay hầu như đã bị rơi vào quên lãng.
Cửa đã bị tường của công trình khác chắn ngang, không thể qua lại.
Ghi nhận của Lao Động, mặt ngoài của khu vực Trấn Bình Đài cũng như Trấn Bình Môn không có người qua lại, thỉnh thoảng xuất hiện người dân bắt cá ở con hào phía đối diện.
Vì thời gian dài bỏ hoang nên công trình này trở nên hoang vu, lạnh lẽo, có chút u ám, ma mị.
Cửa thành làm bằng gỗ tốt, tuy nhiên theo thời gian, cánh cửa đã bị mối mọt, xuống cấp.
Cây cỏ dại mọc lên um tùm ăn ngữ trước cửa thành. Một cống thoát nước bằng gạch ẩn mình trong cây cỏ. Do đó, bấy lâu nay, nhiều người dân cố đô kỳ vọng, khu vực này sẽ được cải tạo lại để phát huy giá trị lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn