MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc đời éo le của nữ công nhân đến tuổi nghỉ hưu nhưng bị công ty nợ BHXH

Tùng Giang LDO | 16/03/2024 16:57

Chị Tạ Thị Minh (50 tuổi, thôn Phương Đàn, xã Lê Hồ, hiện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có hoàn cảnh éo le và là một trong những lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội (Công ty Dệt 19.5) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Được biết, chị Minh làm công nhân đứng và vận hành máy sợi co đã gắn bó với Công ty Dệt 19.5 từ năm 2011. Mỗi tháng lao động, nếu làm đủ công, thu nhập của chị vào khoảng từ 5 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu công nhân đi làm không đủ công, thu nhập chỉ đạt từ 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Theo chia sẻ, công nhân tại Công ty Dệt 19.5 ai cũng muốn đi làm đủ công và thậm chí được tăng ca. Nhưng kể từ thời điểm năm 2020, công việc tại nhà máy trở nên bấp bênh, có thời điểm chị phải nghỉ không lương 3 tháng vì không có việc.
Mức lương eo hẹp, tuổi cũng đã cao nhưng chị chưa từng lập gia đình. Hiện chị đang chăm mẹ già 80 tuổi mắc bạo bệnh, thường xuyên phải sử dụng máy thở oxy.
Chị Minh chia sẻ, chiếc máy thở oxy này được một người thân trong họ hàng cho mượn tiền để mua.
Trước đây chị Minh ở nhà riêng, nhưng nay đành phải cho thuê để tăng thêm thu nhập. Mỗi tháng, căn nhà chỉ mang lại cho chị 500.000 đồng tiền thuê nhà.
“Thời trẻ tôi đi làm trên Hà Nội có anh trai chăm mẹ, nhưng năm 2019 anh mất vì bị ung thư để lại hai con nhỏ cùng vợ và mẹ già. Từ đó tới nay gia đình tôi cũng lụi dần. Đây cũng không phải nhà tôi, mà là nhà của chị dâu, tôi chỉ sống nhờ để tiện chăm mẹ thôi”, chị Minh nghẹn ngào nói.
Khi phóng viên hỏi hiện tại kinh tế gia đình sống dựa vào đâu, chăm sóc mẹ già như thế nào, chị Minh thừa nhận đã lực bất tòng tâm, cả nhà chỉ có một mình chị dâu gánh vác, nhưng cũng không đủ, phải sống trong cảnh “giật gấu vá vai”.
“Tôi năm nay đã 50 rồi, đến tuổi nghỉ hưu nên không nghĩ việc lập gia đình được nữa, trong người cũng có bệnh nên chỉ mong bệnh không nặng thêm để tiếp tục đi làm thời vụ chia sẻ với chị dâu, lo tiền viện phí cho mẹ”, chị Minh bộc bạch và cho biết thêm, người lao động làm trong môi trường độc hại được về hưu sớm hơn và được hưởng các chế độ, quyền lợi khi tuổi đã cao. Nhưng hiện nay, công ty nợ BHXH của chị, sổ không chốt được, tất cả quyền lợi mà chị xứng đáng được nhận vẫn “treo lơ lửng” không hẹn ngày trả. Chị Minh hiện bị giãn tĩnh mạch, không thể đứng được lâu.
Tại Công ty Dệt 19.5, có rất nhiều trường hợp công nhân cũng rơi vào cảnh bị doanh nghiệp nợ BHXH. NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi tại công ty này đều gắn bó với nhà máy rất nhiều năm - người nhiều nhất là 17 năm, người ít nhất cũng 7 - 8 năm. Nhiều trường hợp vẫn trong độ tuổi lao động muốn tìm công việc khác nhưng không được nhận vì chủ sử dụng lao động cảm thấy thủ tục bảo hiểm phức tạp. Trong khi đó, có người chạy xem ôm hoặc đi rửa bát thuê và làm đủ nghề để tiếp tục duy trì cuộc sống, tiếp tục đi đòi những quyền lợi mà họ đáng được hưởng.
Đứng trước cổng nhà máy của Công ty Dệt 19.5, bà Lê Thị Hiền chia sẻ với Báo Lao Động: Chúng tôi không nhớ đã bao nhiêu lần đến đây để đòi quyền lợi, đơn từ cũng gửi đi khắp nơi của tỉnh Hà Nam từ năm 2022, nhưng đến nay sự việc vẫn không tiến triển. Theo bà Hiền, việc Công ty nợ BHXH đã khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó có những lao động không được chốt sổ về hưu; không được đóng BHXH; không có thẻ BHYT, dẫn đến khi mắc bệnh không được hưởng chế độ BHYT, chi phí khám chữa bệnh rất tốn kém; không được hưởng BHTN…

Theo BHXH tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 12.3, công ty còn nợ hơn 14 tỉ đồng tiền BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của 277 NLĐ đã và đang làm việc tại công ty (hiện chỉ còn 4 cán bộ, nhân viên làm việc tại công ty).

Đại diện BHXH thị xã Duy Tiên cho hay, ngày 4.7.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 1328/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với Công ty Dệt 19.5 tại Hà Nam số tiền 150.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày 7.3.2024, lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 vẫn chưa đóng tiền phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn