MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc sống chưa rõ ngày về của 6 hộ dân phải sơ tán vì sụt lún ở Hà Nội

Tùng Giang LDO | 28/11/2023 14:45

Hiện 6 hộ gia đình trong vùng ảnh hưởng của vụ sụt lún ở Quốc Oai (Hà Nội) không thể về nhà do quá nguy hiểm và buộc phải sống tập trung tại khu dịch vụ Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đồng Quang.

Liên quan đến vụ sụt lún đất sau khi một hộ dân khoan giếng tại nhà ở thôn Yên Nội (xã Đồng Quang) khiến 6 hộ phải di dời khẩn cấp, ông Vương Duy Hùng - Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết: Cơ quan chuyên môn của thành phố đã xuống kiểm tra. Hiện phải chờ sau khi siêu âm, tham dò dưới lòng đất để xác định độ rộng, sâu của sụt lún mới có thể đưa ra phương án giải quyết. Trước mắt, 6 hộ dân sẽ ở nhờ văn phòng hợp tác xã. Còn khu vực sụt lún được quây rào, cử người trông giữ.
Theo ghi nhận của Lao Động, khu dịch vụ Hợp tác xã Nông nghiệp của xã Đồng Quang – nơi các hộ dân đang ở tạm trước đây từng là một cơ quan cũ của xã này và đã được xây dựng từ nhiều năm về trước.
Hạ tầng khối nhà cũ kỹ và xuống cấp. Trong khi đó, các hộ dân không có nhà vệ sinh và nhà bếp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu.
Trao đổi với Lao Động, bà Trần Thị Tề (SN 1948, thôn Yên Nội) kể lại, hôm xảy ra sự cố sụt lún, bà đi làm đồng về thì nghe người dân hô hoán vì nhà bị nghiêng và đất lún. Tức tốc chạy vào nhà, bà phát hiện từng mảng đất nứt toác trên nền gạch. Ngay sau đó, hộ gia đình của bà Tề và một số hộ khác được sơ tán và bố trí nơi ở tạm tại văn phòng hợp tác xã cách hiện trường không xa.
“Kinh tế gia đình không dư dả, tôi hằng ngày vẫn đi làm ruộng để kiếm thêm nhưng từ khi chuyển về đây ở thì công việc bị gián đoạn. Ở đây lâu sẽ đối diện với cảnh thất nghiệp vì ở nhà còn có đồ nghề làm đồng còn ở đây không có gì cả, không chỗ tắm rửa, nấu nướng và thiếu thốn đủ thứ”, bà Tề nói.
Một hộ gia đình khác cho biết, người lớn sống ở đâu cũng được nhưng trẻ con lại rất ảnh hưởng. Sinh hoạt, học tập của các cháu nhỏ gần như bị đảo lộn.
“Xung quanh văn phòng hợp tác xã là ao tù, nước đọng và cây cối rậm rạp. Cứ tối xuống là muỗi, dĩn bay đầy. Đóng cửa lại thì bên trong ẩm thấp, tối om, nhưng mở cửa thì lại sợ muỗi. Không biết bao giờ cảnh sống tạm này mới kết thúc”, một người dân than thở.
Người dân tự kê bếp nấu ăn ở hành lang tầng 2 khu nhà.
Cũng theo các hộ dân đang sống tại đây, sau khi vụ việc xảy ra, hàng xóm và người dân trong thôn đã chung tay hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng. Trong đó, có người góp gạo và thực phẩm, có người mang chăn, màn và đệm đến cho các hộ gia đình dùng tạm.
Trước đó, hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Minh (SN 1967, thôn Yên Nội) thuê thợ khoan giếng. Sau khi đạt độ sâu khoảng 45m, thợ rút mũi khoan lên để đặt ống nhựa. Đến ngày, 22.11, thợ đưa ống nhựa xuống được khoảng 24m thì bị mắc kẹt, phải rút ống lên và tính khoan lại. Tuy nhiên, thời điểm này mọi người phát hiện tường rào nhà dân bên cạnh, giáp với giếng khoan bị nứt ngang, vị trí khoan giếng sụt dần. Sau đó, các hiện tượng sụt lún, nhà bị nghiêng và mặt đất cũng bắt đầu xuất hiện các vết nứt dài đã khiến nhiều người hoảng loạn. Được biết, nằm 2008, cũng tại huyện Quốc Oai từng xảy ra vụ việc sụt lún do đào giếng khoan đã khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn