MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc sống của hơn 1.100 hộ dân trên xã đảo duy nhất ở TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 07/09/2023 06:00

Xã đảo Thạnh An có thể xem là vùng đặc biệt khó khăn của TPHCM với địa bàn trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều cường, mật độ dân cư cao với trên 5% dân số thuộc diện hộ nghèo.

Đảo Thạnh An nhìn từ phía bắc, là một trong 6 xã thuộc huyện Cần Giờ, nằm cách trung tâm huyện khoảng 8 km, và cách TPHCM khoảng 46 km về phía đông nam theo đường chim bay. Đảo được bao bọc bởi rừng phòng hộ, với diện tích rộng hơn 13.000 ha (18% diện tích Cần Giờ), có hơn 1.130 hộ với hơn 4.500 người.
Cù lao Gò Gia (xã Thạnh An) từng là khu vực tranh chấp giữa TPHCM và Đồng Nai. Năm 2020, Thủ tướng quyết định cù lao Gò Gia thuộc địa phận TPHCM. Sau đó, UBND thành phố lập hồ sơ đề nghị công nhận Thạnh An là xã đảo.
Theo UBND TPHCM, Thạnh An có địa bàn trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều cường, mật độ dân cư cao với trên 5% dân số thuộc diện hộ nghèo. Đây là nơi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường, khó có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xã đảo này có thể xem là vùng đặc biệt khó khăn của thành phố.
Từ bến đò Cần Thạnh (thị trấn Cần Giờ) sang xã đảo Thạnh An hiện chưa có tàu cao tốc. Người dân muốn ra đảo phải lên những chuyến đò khách được cải tiến từ tàu đánh cá. Một ngày có khoảng 12 chuyến đò chở người qua lại giữa thị trấn Cần Thạnh và xã đảo Thạnh An. Mỗi chuyến mất khoảng 30-40 phút, giá vé 15.000 đồng/người.
Xã có 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng. Trong đó, ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình cùng nằm trên đảo Thạnh An, còn ấp Thiềng Liềng nằm trên đảo riêng biệt.
Từ năm 2015, lưới điện quốc gia được kéo đến xã đảo Thạnh An sau 30 năm người dân phải thắp sáng bằng ánh đèn dầu. Bộ mặt xã đảo thêm tươi tắn khi nơi đây đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là ngầm hóa hệ thống lưới điện, viễn thông…
Do nằm ở vị trí biệt lập nên việc vận chuyển hàng hoá đều thông qua đường thuỷ.
Thời gian bắt đầu họp chợ hàng ngày từ 5h - 9h, ở gần trung tâm xã, phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống của bà con địa phương.
Người dân trên xã đảo chủ yếu sinh sống bằng các công việc như đánh bắt hải sản, nuôi tôm cá, làm muối..
Nghề nuôi hàu bắt đầu phát triển trên đảo trong gần 7-8 năm gần đây, là một trong những mô hình kinh tế giúp bà con giảm nghèo.
Ông Bình (70 tuổi) làm lưới đánh bắt hải sản. "30 năm theo nghề đánh bắt ngoài khơi, nay đã nhiều tuổi nên tôi lui về làm những công việc nhẹ nhàng hơn. Thu nhập không cao, nhưng có đồng ra, đồng vào nuôi bản thân" - ông Bình nói.
Nhiều công trình mới được xây dựng như trường học, trạm y tế, đường sá. Các thiết bị tập thể dục được lắp đặt góp phần nâng cao sức khỏe của người dân. Từ năm học 2018-2019, học sinh THPT tại xã đảo Thạnh An không phải đi đò sang huyện Cần Giờ để học vì địa phương đã nâng cấp trường Thạnh An thành 2 cấp THCS - THPT.
Những lồng cá, tép được đem ra phơi trước cửa mỗi nhà là hình ảnh quen thuộc, gần gũi của người dân Thạnh An.
Anh Nguyễn Thành An (29 tuổi, khách du lịch ở TPHCM) cho biết, cuộc sống trên xã đảo rất yên bình, nhưng nơi đây vẫn còn khó khăn, người dân còn nghèo, mưu sinh chủ yếu là đi biển. "Hy vọng chính quyền TPHCM sẽ quy hoạch và đầu tư nhiều hơn cho kinh tế xã hội của xã, góp phần nâng cao đời sống của bà con, cải tạo môi trường, tạo cảnh quan thành một điểm du lịch bên cạnh Cần Thạnh, Cần Giờ” - anh An nói.
Lãnh đạo UBND xã Thạnh An cho biết, đây là địa phương khó khăn nhất của TPHCM. So với cách đây 10 năm, Thạnh An đã có bước phát triển mới. Thời điểm này hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân chính sách và trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn được quan tâm, chăm lo đầy đủ. Đời sống người dân cũng đang từng bước khởi sắc hơn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền thành phố...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn