MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dân tộc Cống tại Lai Châu là một trong số những dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người của nước ta. Ảnh: Đức Duẩn

Đặc sắc văn hóa dân tộc Cống ở miền núi Lai Châu

ĐỨC DUẨN - THÀNH CHƯƠNG LDO | 11/10/2023 13:48

Dân tộc Cống tại Lai Châu còn có tên gọi khác là dân tộc Xá. Đây là một trong số ít những dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người ở nước ta.

Dân tộc Cống ở nước ta thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến. Hiện nay, người Cống ở Lai Châu có khoảng 350 hộ với 1.565 khẩu, cư trú tập trung ở một số bản thuộc các huyện Mường Tè và Nậm Nhùn.
Người Cống có hai nhóm là Cống vàng và Cống đen, nhóm Cống vàng (Xắm khống Sứ Lư) sinh sống chủ yếu ở xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) và xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé - Điện Biên). Nhóm Cống đen (Xắm khống Nà Là) sinh sống ở các xã Tắc Ngá, Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) và xã Kan Hồ (huyện Mường Tè).
Đời sống văn hóa của dân tộc Cống khá phong phú và còn giữ được nhiều bản sắc, đặc biệt là các nghi lễ tâm linh theo tín ngưỡng thờ thần linh.
Từ ngày 8-10.10 vừa qua, UBND huyện Nậm Nhùn đã tổ chức khôi phục một cách đầy đủ Lễ hội Mừng lúa mới (Hàng Sị Phạt) của dân tộc Cống tại xã Nậm Chà. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cống nói riêng và các dân tộc ít người tại Lai Châu nói chung.
Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Cống diễn ra trong 3 ngày, 2 ngày đầu, các cặp trai gái chọn những bông lúa tẻ (không chín quá mà cũng không xanh quá) để về làm cốm, đồng thời chuẩn bị các vật phẩm cho buổi lễ chính thức.
Ngày thứ 3 sẽ diễn ra phần lễ, mâm lễ cúng gồm có: thịt lợn, gà, xôi cốm, xôi trắng, 1 nắm bông lúa mới, trám đen và gừng để cả cây… Sau khi đã sắp xếp mâm cúng xong thầy cúng làm lễ Mừng lúa mới, cầu mong sự bình an, hạnh phúc; chăn nuôi, trồng trọt phát triển, con cháu học hành tiến bộ và mùa màng bội thu...
Thầy cúng làm lễ Mừng lúa mới.
Kết thúc phần lễ, mâm cúng được bày ra và thầy cúng mời mọi người tham gia chung vui, cùng uống rượu, đánh trống, chiêng và múa hát. Lễ hội Mừng lúa mới vừa có giá trị tâm linh, nhân văn sâu sắc, vừa bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng và xây dựng tình đoàn kết gắn bó giữa các bản làng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn