MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại dịch COVID-19 và con đường thất cử của ông Trump

KHÁNH LINH LDO | 16/12/2020 17:26
Đại dịch COVID-19 thực sự là yếu tố không lường trước của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, và tác động của nó với kết quả thất cử của ông Trump là không thể phủ nhận khi Mỹ hiện là quốc gia có số người mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất toàn cầu.
Theo thông tin về cuộc thăm dò dư luận do Harvard CAPS/Harris Poll công bố ngày 31.5.2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19 cho thấy, có 48% người được hỏi ủng hộ Tổng thống Trump - người đứng đầu Nhà Trắng. Ảnh: AFP.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy mức ủng hộ cao kỷ lục (62%) đối với cách tiếp cận của Tổng thống Trump về việc làm và 59% đối với cách thức ông điều hành nền kinh tế. Ảnh: AFP.
Sau 1 năm kể từ con số cao kỉ lục đó, vào tháng 6.2020 khi diễn biến đại dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng khốc liệt tại Mỹ thì tỉ lệ ủng hộ ông Donald Trump giảm xuống chỉ còn 41,2%. Ảnh: AFP.
Và gần đây nhất, theo cuộc thăm dò được công bố trong bối cảnh chỉ còn khoảng 5 tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức và COVID-19 đang lây nhiễm cho hơn 16,2 triệu người Mỹ, tỉ lệ ủng hộ của ông Trump hiện ở mức 43,3%. Ảnh: AFP.
Có thể thấy qua những con số thì tỉ lệ người dân Mỹ ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump giảm xuống đáng kể kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Mỹ và chuỗi những phát ngôn, hành động của ông Trump về đại dịch này. Ảnh: AFP.
Hồi đầu năm 2020, ông Trump từng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Cụ thể, trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục hồi tháng 3.2020, ông Trump đã rất khó khăn để thừa nhận đại dịch này ngày càng nghiêm trọng, dù ông vẫn phủ nhận nó là mối đe doạ cho tương lai của nước Mỹ. Trump khi đó mô tả virus SARS-CoV-2 là “virus nước ngoài” và đổ lỗi cho Trung Quốc cũng như Châu Âu đã làm bùng phát dịch. Ảnh: AFP.
Trong một thời gian dài, ông Trump kiên quyết chối bỏ nguy cơ từ virus SARS-CoV-2 và khẳng định dịch bệnh sẽ không thể ngăn cản ông. Vào mùa xuân, ông Trump chỉ thị đội ngũ trợ lý lên kế hoạch tái khởi động các buổi tập hợp cử tri và vận động tranh cử. Ảnh: AFP.
Trong suốt quá trình vận động bầu cử, Tổng thống Trump tổ chức những cuộc vận động thu hút hàng nghìn người tham dự bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, chưa đầy 48h sau cuộc tranh luận đầu tiên với ông Biden hồi cuối tháng 9, ông Trump đã đăng bài Twitter thông báo rằng ông và Đệ nhất phu nhân Melania đã mắc Covid-19. Ảnh: AFP.
Trở lại Nhà Trắng sau 3 ngày điều trị, ông Trump tiếp tục gửi đi thông điệp “Đừng sợ nó. Các bạn sẽ đánh bại nó” và nhấn mạnh thêm rằng ông cảm thấy “Khoẻ hơn so với 20 năm trước“. Và giới chuyên gia y tế đã chỉ trích thông điệp này của ông Trump là nguy hiểm vì nó khuyến khích người ủng hộ ông bỏ qua các khuyến nghị cơ bản để giữ an toàn cho bản thân. Ảnh: AFP.
Trong các phát biểu của mình, ông Trump nhiều lần nhắc đến việc “Chỉ còn vài tuần nữa là có vaccine“. Tuy nhiên, theo cố vấn khoa học chính của chương trình vaccine tại Hoa Kỳ thực tế ở thời điểm đó cơ hội rất thấp sẽ có 1 loại vaccine tại Mỹ sẽ được phê duyệt vào cuối tháng 10. Ảnh: AFP.
Trong hai cuộc “so găng” trực tiếp, cách thức ứng phó COVID-19 là chủ đề tranh luận nóng bỏng giữa hai ứng cử viên. Ông Biden chỉ trích cách Tổng thống Trump xử lý đại dịch, xoáy vào việc đảng Cộng hòa tìm mọi cách xóa bỏ chương trình chăm sóc y tế “Affordable Care Act” từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AFP.
Ông Biden nhấn mạnh bây giờ là lúc người dân cần chăm sóc y tế nhất. Ông Trump đáp trả bằng việc đưa ra các dẫn chứng Hoa Kỳ đang ngày một kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đặc biệt là các tiến bộ trong việc điều chế vaccine. Ảnh: AFP.
Hai ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ có cách tiếp cận trái ngược nhau đối với đại dịch Covid-19. Đội ngũ ông Biden thì thử nghiệm các chiến lược nhằm hạn chế sự lây nhiễm. Trái lại, ông Trump thì luôn xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ không sợ hãi bệnh tật. Ảnh: AFP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn