MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Niêu cá kho làng Vũ Đại (Hà Nam) mang hương vị Tết cổ truyền.

Đậm đà niêu cá kho lưu giữ hương vị Tết xưa

Hải Huế LDO | 21/01/2023 10:30

Cứ mỗi dịp Tết đến, trên mâm cỗ, ngoài các món cổ truyền đặc trưng của ngày Tết miền Bắc như: Bánh chưng, thịt lợn, giò chả, thịt gà… thì hầu như nhà nào cũng có thêm món cá kho trong mâm cỗ mới được xem là đủ đầy.

Cỗ Tết là một tuyệt phẩm của làng quê Bắc Bộ. Dù nhiều thứ thay đổi theo thời thế, nhưng cái tinh thần trong ẩm thực, sự tinh tế vẫn được giữ trọn trong từng món ăn. Đặc biệt là niêu cá kho cổ truyền của làng Vũ Đại. Cá kho là món ăn mang hơi thở của người dân nghèo vùng quê chiêm trũng Hà Nam, từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cơm tất niên những ngày cuối năm của nhiều gia đình.
Cứ khoảng từ rằm tháng Chạp cho đến Tết, cả Làng Vũ Đại lại đỏ lửa, nghi ngút mùi khói bếp, ấy là lúc mọi người hối hả, tất bật với những niêu cá kho cổ truyền. Để làm được một niêu cá kho ngon, hấp dẫn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mà mỗi công đoạn đều kỹ lưỡng, tỉ mỉ, là sự kết hợp tài tình của các nguyên vật liệu.
Nguyên liệu để chế biến cho một niêu cá kho được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, cá để kho là loại trắm đen được nuôi bằng ốc, mỗi con nặng từ 4 - 6kg trở lên để đảm bảo chắc thịt, ngon cá. Gia vị để kho cá không thể thiếu gừng, hạt tiêu, nước mắm cốt nguyên chất, ớt cay, chanh tươi... từ những nguyên liệu, gia vị truyền thống mà mỗi gia đình có một công thức kho cá riêng, người ta gọi là bí truyền. Cá được lựa chọn làm sạch vẩy, bỏ đầu, bỏ đuôi chỉ lấy khúc giữa, cá rửa sạch, để ráo nước rồi tẩm ướp các gia vị hỗn hợp cho ngấm vị vào cá.
Mỗi niêu cá được xếp một lớp riềng củ thái lát mỏng để dưới đáy nhằm tránh bị cháy khi kho trên bếp, các gia vị như gừng, ớt, hành củ đều được giã nhỏ, cùng với các gia vị khác và được điều tiết phù hợp với trọng lượng mỗi niêu cá.
Để cho ra được một niêu cá kho chuẩn vị, đạt chất lượng phải đun tối thiểu từ 8 - 12 tiếng. Củi để kho cả bắt buộc phải là củi nhãn, bởi củi nhãn cho lượng nhiệt cao khử mùi đất nung và giúp cá nhừ xương. Cá kho xong phải đạt chuẩn không còn mùi tanh, từng miếng thơm ngon, chắc thịt, còn nguyên thớ.
Làm cá kho kể cũng kỳ công, bao nhiêu con người phải thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm canh lửa không cho tắt, liên tục châm thêm nước vào nồi giúp cá không bị cháy trong suốt thời gian đun. Chính sự tỉ mỉ, cầu kỳ ấy đã làm nên những niêu cá kho tròn vị, đi vào mâm cơm quây quần ngày Tết.
Cứ vậy, dù niềm mong mỏi chờ Tết đã không còn nôn nao như trước nữa nhưng vào những ngày cuối Chạp, mùi của nồi cá kho dậy lên giữa không gian lại ngấm ngầm dâng lên những cảm xúc rạo rực. Những niêu cá được đun liu riu, lửa phập phù, tiếng củi nổ lép bép, khói la đà bên trên mái lá mang theo mùi hương quyến rũ của Tết khiến ai cũng phải xuyến xao, mong ngóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn