MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dàn vũ khí hạng nặng của quân đội Việt Nam tại triển lãm quân sự

Nhật Vũ LDO | 21/12/2019 20:45
Lần đầu tiên công chúng được xem tận mắt nhiều loại khí tài quân sự hạng nặng và hiện đại tại Triển lãm Hội chợ Việt Bắc.
Xe tăng T - 90s hiện đại bậc nhất của Việt Nam chính thức xuất hiện tại triển lãm lần này. Đây là loại xe tăng chủ lực mới nhất trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện tại với số lượng 64 chiếc loại T-90S/SK, chủ yếu phục vụ trong biên chế Lữ đoàn xe tăng 201. Ảnh: Nhật Vũ
Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M1 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở độ cao thấp, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước ở cự ly gần. Ảnh: Nhật Vũ
Xe trinh sát phóng xạ, hoá học ĐM-2PH dùng để đánh dấu khu nhiễm, thông báo, báo động nhiễm độc, nhiễm xạ và báo cáo kết quả trinh sát qua vô tuyến. Ảnh: Nhật Vũ
BMP-2 là thế hệ xe chiến đấu bộ binh thứ hai, được Liên Xô thiết kế và đưa vào chế tạo từ thập niên 1980. So với BMP-1, BMP-2 được cải tiến mạnh mẽ về khả năng bảo vệ trước hỏa lực của đối phương. Hỏa lực trên xe trở nên mạnh hơn với pháo tự động 2A42 30 mm, súng máy PKT đồng trục 7,62 mm cùng hộp đạn 2.000 viên, và tên lửa chống tăng 9M111 Fagot hoặc 9M113 Konkurs. Ngoài ra, xe có thể được trang bị cả RPG-7 với cơ số đạn là 5 quả. Ảnh: Nhật Vũ
Tổ hợp pháo phản lực BM-21 là loại vũ khí được đánh giá là đơn giản, đáng tin cậy và rất nguy hiểm. Mỗi tổ hợp BM-21 mang theo 40 viên đạn pháo thuốc nổ mạnh 122 mm đủ khả năng san phẳng khu vực rộng 2,5 hecta chỉ trong vài chục giây. Ảnh: Nhật Vũ
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM “Pechora-2TM” (C125- 2TM) được thiết kế với khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trong mọi điều kiện nhiễu, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong một số tình huống. Ảnh: Nhật Vũ
Việt Nam là một trong 27 nước trên thế giới vẫn còn sử dụng mẫu lựu pháo D-20 152mm được biên chế cho cả lục quân lẫn hải quân. Dù có tuổi đời hàng thập kỷ, nhưng D-20 vẫn tỏ ra là một mẫu pháo đáng tin cậy và hiệu quả trong chiến tranh hiện đại bên cạnh đó sức mạnh hỏa lực vượt trội. Ảnh: Nhật Vũ
Đài điều khiển SNR-125-2TM là một tổ hợp ra-đa xung đốp lơ 3 tham số, có 2 rãnh mục tiêu và 2 rãnh đạn, giữ chức năng sục sạo phát hiện, bám sát mục tiêu và điều khiển đồng thời 2 đạn diệt 2 mục tiêu khác nhau hoặc 2 đạn cùng diệt 1 mục tiêu. Tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM gồm 2 xe: xe an-ten UNV-2TM và xe điều khiển UNK-2TM. Ảnh: Nhật Vũ
Đài radar cảnh giới VRS-2DM do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. Đây là loại ra-đa chủ lực sử dụng làm nhiệm vụ cảnh giới bắt các mục tiêu bay thấp và rất thấp. Ảnh: Nhật Vũ
Tổ hợp ra-đa tầm trung “chống tàng hình” RV-02 được mang ra trưng bày lần này. Đây là phiên bản nội địa do Việt Nam tự sản xuất dựa trên thiết kế của hệ thống ra-đa Voktok-E của Belarus có khả năng phát hiện máy bay tàng hình thế hệ năm. Ảnh: Nhật Vũ
Máy bay trinh sát không người lái hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do Tập đoàn Viettel sản xuất có trọng lượng 26kg, bay liên tục 3 tiếng đồng hồ, với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km. Hiện VUA-SC-3G được trang bị cho một số đơn vị của Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, phát hiện mục tiêu, phòng chống các loại tội phạm. Ảnh: Nhật Vũ
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn