MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh đu với tử thần trên những chuyến đò nối đất liền với xã đảo ở TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 05/09/2023 09:01

Nhiều người leo lên nóc đò chở khách nối thị trấn Cần Thạnh với xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) để hóng gió, ngắm cảnh bất chấp nguy hiểm.

Xã đảo Thạnh An nhìn từ phía Bắc, là một trong 6 xã thuộc huyện Cần Giờ, nằm cách trung tâm huyện khoảng 8 km, và cách TPHCM khoảng 46 km về phía Đông Nam theo đường chim bay. Thạnh An được bao bọc bởi rừng phòng hộ, với diện tích rộng hơn 13.000 ha (18% diện tích huyện Cần Giờ), có hơn 1.130 hộ với khoảng 4.500 người.
Từ bến đò Cần Thạnh sang xã đảo Thạnh An hiện chưa có tàu cao tốc. Do đó, người dân muốn ra đảo phải lên những chuyến đò khách được cải tiến từ tàu đánh cá.
Một ngày có khoảng 12 chuyến đò chở người qua lại giữa thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) và xã đảo Thạnh An. Mỗi chuyến mất khoảng 30-40 phút, giá vé 15.000 đồng/người.
Vào dịp lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua, rất nhiều du khách từ trung tâm TPHCM và Cần Giờ ra đảo tham quan. Ai cũng háo hức vì lần đầu được đến với xã đảo duy nhất ở TPHCM.
Sau khi chuyến đò số hiệu SG.1231 rời bến đò Cần Thạnh vào thời điểm 17h ngày 2.9, một nhóm người, trong đó có cả trẻ em leo lên nóc đò khách để ngồi hóng gió. Những người này không trang bị áo phao, trên nóc đò khách không có lan can và các biện pháp đảm bảo an toàn.
Đò SG.1231 di chuyển được khoảng 20 phút, một chiếc đò khách khác chạy theo hướng ngược lại (xã đảo Thạnh An vào thị trấn Cần Thạnh), cũng có 7 người ngồi trên nóc đò dù thời điểm về chiều gió thổi càng mạnh.
Khi được hỏi về đảm bảo an toàn khi đi trên những chuyến đò khách ra xã đảo Thạnh An và ngược lại, phần lớn du khách đều tỏ ra thờ ơ. “Cũng biết nguy hiểm, nhưng ngồi phía ngoài hóng gió, ngắm cảnh cho thoải mái chứ ngồi trong mui đò bí bách lắm. Với lại sóng biển mùa này cũng khá yên tĩnh nên chắc không sao” - một khách du lịch cho hay.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên chuyến đò khách số hiệu SG.8307. Chuyến đò này rời xã đảo Thạnh An vào 14h ngày 3.9. Theo ghi nhận, có cả chục người ra ngồi ở hành lang đò khách hay leo lên nóc đò dù cho trước đó, lực lượng biên phòng đã yêu cầu người dân vào trong mui đò để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển vào bờ.
Người đàn ông thu tiền vé trên đò cho hay, nhiều người muốn hóng gió, ngắm cảnh quan nên leo lên trên nóc đò hoặc ra ngoài khu vực hành lang của đò. “Nhiều khi cũng la nhưng không la nổi” - người này nói.
Cũng theo nhân viên bán vé, tình trạng này chủ yếu xảy ra vào cuối tuần hay những ngày lễ, phần lớn là khách du lịch. Còn với dân địa phương (thị trấn Cần Thạnh và xã đảo Thạnh An), họ đã chán cảnh đó rồi nên chui vào trong đò nằm ngủ, lúc nào đò cập bến mới dậy đi về.
Nhiều du khách ngồi lên lan can hành lang đò khách bất chấp nguy hiểm.
Thậm chí còn có người ngủ say trên nóc đò. Khu vực này còn là nơi để xe đạp của du khách.
Hàng chục người ngồi, nằm bên trong đò khách SG.8307. Đò này được phép chở 49 hành khách, đồng thời được trang bị 100 áo phao và 20 phao nổi.
Bà Hoàng Thị Ngọc (52 tuổi, khách du lịch ở TPHCM) cho hay, việc người dân ra khu vực bên ngoài đò khách để hóng mát, ngắm cảnh bất chấp cảnh báo là rất nguy hiểm. “Nhỡ có chuyện không may xảy ra, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng“, bà Ngọc nói và cho rằng, khách du lịch nên có ý thức hơn để đảm bảo an toàn cho mình và không làm liên luỵ đến người khác.
Nhiều người dân cũng mong lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh, trật tự trên những chuyến đò để đảm bảo an toàn cho hành khách, hạn chế tối đa những sự cố đáng tiếc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn