MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực dự kiến xây dựng Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Ảnh: Hữu Chánh

Đất đai hoang hoá trong nhiều dự án công viên, khu thể thao tầm cỡ ở TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 13/11/2023 18:29

TPHCM - Sau nhiều năm có chủ trương đầu tư, Công viên Sài Gòn Safari, Cung Văn hóa Thiếu nhi Thủ Thiêm... vẫn chỉ là bãi đất hoang hoá, cỏ mọc um tùm.

Với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, Sài Gòn Safari được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới. Theo quy hoạch, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TPHCM) với diện tích hơn 485 ha.
Để thực hiện dự án, tháng 6.2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư) và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân. Tính đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%. Từ đó đến nay dù chỉ còn 4% nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Hiện tại phần lớn diện tích đất để xây dựng dự án Sài Gòn Safari chỉ là bãi đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và dấu tích của những căn nhà đã đập bỏ... Một số khu đất được người dân tận dụng trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc.
Theo UBND huyện Củ Chi, dự án này kéo dài quá lâu, việc kêu gọi thu hút đầu tư rất khó, rồi tình trạng dân khiếu nại kéo dài liên quan đến công tác đền bù giải tỏa… dẫn đến dự án trì trệ.
Do đó, huyện đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Còn tại trung tâm TPHCM, Cung Văn hóa Thiếu nhi (Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP Thủ Đức) được TPHCM chấp thuận chủ trương xây dựng từ năm 2007. Dự án có quy mô gần 40.000 m2, dự kiến được xây dựng tại lô đất 5-2 (thuộc khu chức năng số 5 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Đây là một trong các điểm nhấn quan trọng giữ vai trò như “trái tim” biểu tượng của khu đô thị Thủ Thiêm. Đồng thời, mang ý nghĩa sự phát triển của thành phố sẽ hướng đến các thế hệ trẻ tương lai.
Dù vậy, sau 15 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án Cung Văn hóa Thiếu nhi Thủ Thiêm đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.
Theo ghi nhận, khu đất dự kiến xây dựng Cung Văn hóa hiện vẫn chỉ là bãi đầm lầy mọc đầy cỏ dại.
Cách đó không xa, dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) có chủ trương đầu tư từ năm 1994 với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 15.000 tỉ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích Khu Liên hợp hiện chỉ còn khoảng 212 ha. Trong đó 180 ha sẽ dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Phần diện tích còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu đầu tư vào công trình phức hợp nằm trong khuôn viên của Khu Liên hợp.
Khu Saigon Sport City với diện tích 26 ha có chức năng làm khu trung tâm huấn luyện, luyện tập thể dục thể thao và dịch vụ phục vụ thể thao đã gần như hoàn tất giải phóng mặt bằng nhưng lâu nay chỉ xây dựng xong một khu nhà. Xung quanh vây kín tôn và chặn đường vào dự án.
Theo quy hoạch, dự án gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... để có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Theo ghi nhận, đến nay phần lớn diện tích thuộc dự án hiện vẫn là đất trống, ao hồ, dừa nước, cây dại và rải rác nhà người dân còn bám trụ lại.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, công tác lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 của dự án đã hoàn thành. Mới đây, dự án này cũng được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu ý tưởng quy hoạch - kiến trúc để tổ chức thi tuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn