MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dấu hiệu sai phạm tại 16 nhà máy nước sạch chương trình NTP ở Hưng Yên

Trần Tuấn LDO | 25/04/2023 11:30

16 nhà máy nước sạch nằm trong chương trình vệ sinh nông thôn (NTP) ở Hưng Yên có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công, trốn thuế. Bên cạnh đó, một số nhà máy từ lâu đã bỏ hoang, không hoạt động, phải mua buôn nước từ đơn vị khác cấp cho người dân.

Toàn tỉnh Hưng Yên có 16 nhà máy nước sạch nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn (chương trình NTP), có tổng mức đầu tư phần vốn Nhà nước đã được quyết toán là 123 tỉ đồng (chiếm 60% tổng mức đầu tư).
Ngay từ khi đi vào hoạt động các nhà máy này đã được địa phương giao cho các công ty tư nhân quản lý, nhưng đến nay không có đóng góp bất cứ nguồn thu nào về ngân sách, có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công. Trong ảnh là nhà máy nước sạch Phạm Ngũ Lão, được giao cho Công ty cổ phần ĐT - XD Việt Thanh quản lý.
Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 2014, nhưng đã bỏ hoang cách đây 5 năm, do thời điểm đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản về đảm bảo nguồn nước sạch, quy định các nhà máy nước sạch phải sử dụng nguồn nước mặt hoặc nước ngầm. Trong khi đó, nhà máy lấy nguồn từ nước nội đồng, không đảm bảo vệ sinh.
Bỏ hoang đã lâu nhưng nhà máy hiện vẫn đang cấp nước cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Phạm Ngũ Lão, với gần 8.000 nhân khẩu.
Công ty Việt Thanh đã mua buôn nước từ Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoka (trụ sở huyện Kim Động) để bán lại cho người dân. Các phiếu thu tiền nước hiện vẫn đang đứng tên Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Thanh, nhưng thực tế nguồn nước người dân sử dụng là từ Công ty Ngọc Tuấn.
Trong 16 nhà máy nước sạch NTP ở Hưng Yên, có 4 nhà máy khác cũng rơi vào tình cảnh bỏ hoang tương tự như nhà máy xã Phạm Ngũ Lão. Trong ảnh là nhà máy nước thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động) đã được Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn mua lại. Tuy vậy, việc mua bán này cũng chưa có hành lang pháp lý đảm bảo theo quy định khi tỉnh Hưng Yên phê duyệt kế hoạch triển khai Nghị định 43 về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Hiện, công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn đã độc quyền cung cấp nước cho các hộ dân tại thị trấn Lương Bằng với giá 9.500 đồng/m3. Phản ánh với phóng viên Báo Lao Động, nhiều người dân thị trấn Lương Bằng cho biết, rất bức xức vì “giá nước nông thôn còn cao hơn ở đô thị”, đồng thời đã nhiều lần kiến nghị phải điều chỉnh giá nước nhưng chưa thể thay đổi.
 Bên trong nhà máy nước sạch thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động) đang bỏ hoang.
 Nhà máy cấp nước xã Hồng Quang (huyện Ân Thi). Hiện trạng bỏ hoang khiến nhiều người khó có thể nhận ra đây là dự án có mức đầu tư vốn nhà nước 11,4 tỉ đồng và đi vào hoạt động từ 2013. Hiện nhà máy này cũng phải đi mua buôn nước sạch từ một đơn vị khác để bán lại cho người dân.
 Theo phản ánh của người dân, một số doanh nghiệp được giao quản lý các nhà máy trong chương trình NTP ở Hưng Yên khi thu tiền nước đã không xuất hoá đơn theo quy định mà chỉ ghi vào sổ thu, có dấu hiệu trốn thuế.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn