MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đầu năm lợp nhà lá cọ, nét riêng độc đáo của vùng cao Tây Bắc

Trần Trọng LDO | 06/02/2022 08:02
Lào Cai - Nhà mái lá cọ ở Tây Bắc là kiến trúc đã có từ lâu đời, hình thức xây dựng này thu hút lượng lớn du khách thích khám phá và trải nghiệm thực tế.
Đến với Tây Bắc, nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, cùng với đó là các loại hình kiến trúc về xây dựng nhà ở mà không nhiều địa phương trong nước ta còn sử dụng. Ảnh: Q.H.
Đến với huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, những ngôi nhà sàn vẫn duy trì được kiến trúc lợp mái lá cọ để gìn giữ bản sắc vốn có cho tới ngày nay.
Nhà sàn được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, dân tộc mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.
Tại một hộ gia đình dân tộc Tày ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, khi quá trình lợp mới mái nhà bằng lá cọ truyền thống được bà con trong bản chung tay giúp đỡ, không khí ở đây rộn ràng tiếng cười nói.
Lá cọ khi được lấy trên rừng về sẽ được người dân chọn ra những lá to, lành, đẹp nhất sử dụng làm mái che.
Những lá cọ được buộc vào một ngọn tre, dùng sức người đưa lên trên cao bằng phương pháp đòn bẩy. Hoạt động này giúp giảm bớt sức lực, hiệu quả và tránh làm rách lá khi đưa lên.
Theo cách lợp từ xưa, lá cọ được đan theo hướng từ dưới lên, lớp chồng lớp nên việc bị dột nước khi trời mưa là không thể.
Khi một gia đình có việc, tất cả mọi người trong bản đều chung tay giúp sức, vừa nâng cao tình làng nghĩa xóm vừa là hình thức để các thế hệ sau lưu truyền nét văn hóa, kiến trúc độc đáo này.
Ngôi nhà mà vợ chồng người dân tộc Tày đang lợp có 7 gian và hai sân trong, số lá cọ sẽ cần để sử dụng lên đến 6.000 lá.
Tre được chọn làm mái cũng rất cầu kỳ, phải là tre già, được kiểm tra bằng cách gõ con dao vào thân tre, người có kinh nghiệm sẽ biết cây tre nào đủ tiêu chuẩn. Sau đó sẽ được ngâm bùn 30 – 60 ngày để tránh bị mục, mối mọt ăn sau này.
Lá lợp nhà phải lá lành, lá khô ở trên cây, lá gần ngọn cách từ 2 lá đổ lên thì không lấy, chỉ lấy lá cách ngọn từ tầng thứ 3 đổ xuống.
Tàu lá cọ thường được chia làm đôi, nếu lợp theo cách đẹp và chắc thì sẽ lợp hết theo một mặt sấp hoặc ngửa của lá, hai hàng liền nhau thì cuống lá sẽ quay ngược hướng nhau. Một hàng dây được xoắn cũng từ lá cọ được luồn giữa các tàu lá lợp và khung mái để ken cho kỹ.
Việc lợp mái không phân biệt nam nữ, người trẻ thường thích lên mái để học cách lợp vừa để cách lợp mái nhà người Tày không bị thất truyền, cũng vừa là loại hình du lịch độc đáo nơi đây.
Mái nhà sàn của người Tày nằm dưới sườn đồi phía trước là ao cá, ruộng nương tạo nên một khung cảnh, bức tranh tuyệt đẹp nơi vùng núi cao Tây Bắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn