MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đấu trường sinh tử giữa voi và hổ độc nhất vô nhị trên thế giới

THANH THẢO LDO | 23/07/2023 10:43

Được xây dựng vào năm 1830 dưới thời nhà Nguyễn, Hổ Quyền là đấu trường dùng để tổ chức những trận sinh tử giữa voi và hổ. Được đánh giá là đấu trường độc nhất vô nhị trên thế giới, công trình gần 200 năm tuổi này vẫn giữ được độ vững chắc vốn có, khoác lên mình sự cổ kính của thời gian.

Là di tích trong Quần thể di tích của cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993, Cụm di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré là đấu trường dùng để tổ chức những trận đấu sinh tử giữa voi và hổ cho nhà Vua, đình thần và dân chúng xem.
Được biết, đấu trường Hổ Quyền được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng và tọa lạc tại phường Thủy Biều, TP Huế, cách Kinh thành Huế 4km, không khó để tìm đến địa danh này.
Nơi đây được biết đến là một di tích đặc biệt của Việt Nam và là di tích quý hiếm của thế giới. Cụ thể, Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2009/1998-QĐ/BVHTT, ngày 26.9.1998 của Bộ Văn hóa Thông tin.
Hổ Quyền có hình vành khăn với 2 vòng tường thành, có nét giống với đấu trường La Mã (Roma, Ý). Trong đó, vòng thành trong cao 5,9m, vòng thành ngoài cao 4,75m, nghiêng một gốc từ 10 đến 15 độ tạo tư thế vững chãi.
Chu vi tường ngoài là 145m, đường kính lòng chảo là 44m được thiết kế chắc chắn để đảm bảo an toàn cho mọi người thưởng chiến. Đặc biệt, Hổ Quyền được trang trí bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa cực kỳ tốt, dù đã tồn tại gần 2 thế kỷ nhưng đến nay công trình vẫn còn nguyên vẹn.
Khu vực cao hơn các vị trí xung quanh, có không gian rộng là vị trí để vua ngồi xem voi và hổ đấu nhau; bên trái là hệ thống bậc cấp đi lên dành cho vua quan và quốc thích đại thần; bên phải là hệ thống bậc cấp khác dành cho các quan và binh lính.
Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng hổ được xây dựng từ hai vòng tường, có thêm các bức vách để tạo 5 chuồng riêng biệt, 3 chuồng nhỏ và 2 chuồng lớn. Khi thả hổ ra bãi chiến, các cửa gỗ sẽ được kéo lên từ hệ thống dây phía trên và ngược lại khi nhốt hổ lại ở chuồng.
Phía trên mỗi chuồng hổ là những thanh đậy bằng gỗ thông khí, giúp binh lính có thể kiểm tra, cho hổ ăn. Đồng thời, mỗi chuồng hổ có 1 chiếc bể chứa nước để cho hổ uống.
Phía trên mỗi chuồng hổ là những thanh đậy bằng gỗ thông khí, giúp binh lính có thể kiểm tra, cho hổ ăn. Đồng thời, mỗi chuồng hổ có 1 chiếc bể chứa nước để cho hổ uống.
Bên cạnh đó, voi vào đấu trường bằng cửa riêng lớn hơn và không bị nhốt. Cửa voi đi rộng 1,90m, cao gần 4m, con đường trên cửa vòm được thu hẹp bằng một cây cầu, cửa vòm có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá.
Vào thời nhà Nguyễn, những trận đấu tử chiến giữa voi và hổ thường được tổ chức mỗi năm một lần với nghi thức trang trọng. Các vua Nguyễn là người tổ chức, chỉ huy và là khán giả của trận đấu, họ cổ vũ nhiệt tình cho cuộc thi cho đến khi voi giết chết hổ.
Xuất phát từ nhu cầu huấn luyện tượng binh, là một đội quân rất hùng mạnh của quân đội Đàng trong, càng về sau các cuộc thi đấu sau này nhằm khích lệ tinh thần thượng võ và phục vụ nhu cầu giải trí.
Ngoài ra, những trận tỉ thí giữa voi và hổ còn nhằm luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Năm 1904, dưới thời Vua Thành Thái đã diễn ra một trận đấu cực kỳ hấp dẫn và đó cũng là trận đấu cuối cùng giữa hai kỳ phùng địch thủ này.
Ngày nay, di tích Hổ Quyền đã được trùng tu để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân, du khách, đồng thời phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn