MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đêm dài ở chốt dã chiến phòng dịch COVID-19 bên sông Sê Pôn

HƯNG THƠ LDO | 02/04/2020 09:33

Về đêm, ở các chốt canh dã chiến phòng dịch COVID-19 dựng lên dọc con sông biên giới Sê Pôn (biên giới Việt – Lào đoạn qua tỉnh Quảng Trị) không ánh điện, chỉ có đèn pin và bếp lửa bập bùng. Mỗi chốt chỉ có 5 thành viên, gồm lực lượng biên phòng, công an viên và dân quân tự vệ. 24/24h, họ thay phiên nhau trực chốt, tuần tra dọc sông để ngăn người dân xuất nhập cảnh trái phép.

Dọc biên giới Quảng Trị, có 63 chốt chặn được dựng lên ở các đường mòn, lối mở để ngăn người xuất nhập cảnh trái phép. Trong ảnh, lực lượng biên phòng và công an viên dùng đèn pin rọi xuống bờ sông Sê Pôn để kiểm tra. Nửa con sông bên này là Việt, nửa sông còn lại là đất Lào, địa điểm mà các lực lượng chốt chặn là một đường mòn, nơi người dân hai bên hay qua lại.
Thiếu úy Nguyễn Thanh Vũ - Đồn Biên phòng Thanh được biên chế ở chốt Thanh Ô (xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Gần 2 tháng kể từ khi các chốt được lập, thiếu úy Vũ được lệnh không rời chốt, trừ lúc đi tuần. Trong ảnh, thiếu úy Vũ sắp xếp lại đồ tiếp tế ở chốt dã chiến.
Lực lượng dân quân vận chuyển lương thực tiếp tế cho các chốt chống dịch ở dọc biên giới do Đồn Biên phòng Thanh quản lý.
Chốt thôn Mới (xã Thanh) ban đầu là một cái lán nhỏ trơ trọi bên bờ sông Sê Pôn của một chủ đò để lại. Do ngày nắng nóng, đêm lạnh nên các lực lượng ở chốt phải tranh thủ lúc rảnh để nâng cấp lán.
23h đêm, chốt thôn Mới phát hiện 2 người tìm cách vượt sông Sê Pôn để sang bản Pa Lọ nước (cụm kinh tế Đen Vi Lay, huyện Mường Nòng, Lào). Ông Hồ Văn Khanh (SN 1987, trú tại xã Thanh) nói rằng có đứa cháu nhỏ ốm nặng nên cùng em trai qua thăm. Sau khi được giải thích không được xuất nhập cảnh, và tuyên truyền bằng tờ rơi, ông Khanh và em trai mới chịu quay đầu trở về.
Ngày thức, đêm cũng thâu đêm, các thành viên ở chốt phòng dịch bồi dưỡng bằng những gói mỳ tôm.
Giường, chiếu, chăn sẵn sàng, nhưng đã nửa đêm, các thành viên ở chốt thôn Mới vẫn chưa ai được ngủ.
Gần 3h sáng, chốt thôn Mới phát hiện thêm 2 thanh niên có ý định vượt sông Sê Pôn. Ban đầu, các thành viên ở chốt thuyết phục mềm mỏng, nếu không chấp hành sẽ cứng rắn, kiên quyết. Do việc tuyên truyền tốt, người dân nắm được chủ trương nên phần lớn đều chấp hành. Nhưng các thành viên ở chốt nêu cao cảnh giác, đến gần sáng vẫn thay phiên nhau trực.
Đồn Biên phòng Thanh (thuộc Biên phòng Quảng Trị) được biên chế 61 đồng chí, hiện chỉ có 51 đồng chí thực hiện nhiệm vụ. Đường biên giới do đồn quản lý dài gần 32km, để ngăn người xuất nhập cảnh trái phép, đã dựng13 chốt. Để đảm bảo việc tuần tra, chốt chặn ở chốt đảm bảo, lãnh đạo đồn thường xuyên đi kiểm tra tùy thời điểm. Trong ảnh, thiếu tá Ngô Trường Khôi (bìa trái ảnh) – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh kiểm tra, động viên các thành viên ở chốt thôn Mới.
Thượng tá Trần Tuấn Anh – Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, gần 2 tháng nay, Biên phòng Quảng Trị đã tăng cường thêm quân số cho các chốt chặn ở biên giới Việt - Lào để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng dịch COVID-19. “Dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn, ở, địa bàn rộng, nhưng chúng tôi tìm cách khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Họ gạt chuyện gia đình sang một bên, với tâm thế lúc nào xong nhiệm vụ mới gặp lại gia đình.” - thượng tá Trần Tuấn Anh, cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn