MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đèo Mã Phục - Cung đường đẹp nao lòng vùng Đông Bắc

Sơn Tùng - An Trịnh LDO | 16/07/2023 07:58

Cao Bằng - Là ranh giới tự nhiên giữa 2 huyện Hoà An và Quảng Hoà, cung đường đèo Mã Phục còn chinh phục nhiều người với vẻ đẹp hùng vĩ hiếm có.

Đèo Mã Phục thuộc xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hoà. Có chiều dài hơn 3,5km ở độ cao 700m so với mực nước biển. Qua 7 tầng dốc, đây là một trong những con đèo đẹp nhất Cao Bằng. Mã Phục được xếp vào di sản địa chất của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, do UNESCO công nhận. Ảnh: Sơn Tùng.
Đèo có 7 tầng uốn lượn quanh co giữa hai dãy núi đá vôi cao, dưới chân đèo có một điểm di sản địa chất độc đáo. Tại đây, ở chỗ tiếp xúc với đá vôi (màu trắng) có thể thấy một loại đá khác màu xanh đen hình cầu, còn gọi là bazan cầu gối.
Theo các chuyên gia, khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau (dung nham cầu gối).
Đèo Mã Phục được xem như cửa ngõ nếu từ TP Cao Bằng xuất phát đi đến các huyện phía Đông như Trùng Khánh, Quảng Hoà...
Bên cạnh giá trị đặc biệt về địa chất, đèo Mã Phục còn là một di sản. Tích xưa kể lại, giữa thế kỷ 11 thủ lĩnh người Tày tên Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại nhà Tống ở phía Bắc. Trong một lần tuần tra biên giới trở về, đến địa phận xã Quốc Toản, gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó, dãy núi được đặt tên là Án Lại và con đèo được đặt tên Mã Phục (ngựa quỳ).
Đèo Mã Phục còn là nơi có những phiên chợ họp ngay trên đỉnh đèo. Vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 hàng tháng, những người Nùng, Tày, Dao từ các bản làng xa xôi lại vượt núi, gánh hàng lên họp mặt, từ hạt dẻ Trùng Khánh, dao cuốc xẻng từ làng rèn Phúc Sen Quảng Uyên...
Những khúc cua uốn lượn và điểm dừng chân ngắm cảnh đẹp mắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn