MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ quê – Nét văn hóa truyền thống dịp Tết Thái Bình. Ảnh: Lương Hà

Đi tìm hồn quê, hương vị Tết trong phiên chợ quê ngày Tết

Lương Hà LDO | 21/01/2023 10:36

Thái Bình - Phiên chợ quê đơn sơ, mộc mạc ngày Tết ở Thái Bình mang đến nhiều giá trị văn hóa, tình cảm quê hương, bám sâu trong tâm hồn mỗi người dịp Tết đến, Xuân về. Chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Đây là phiên chợ Khô ngày Tết ở xã Hoa Lư (nay là xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống để ai đến đây đều có thể cảm nhận rõ ràng không khí của một mùa xuân mới đang đến. Ảnh: Lương Hà
Cũng là nơi mua bán hàng hoá, nhưng chợ quê, đặc biệt vào phiên chợ Tết luôn có những nét đặc trưng riêng khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị. Ảnh: Lương Hà
Thông thường ở những phiên chợ Khô chỉ họp vào buổi sáng hoặc theo phiên vào các ngày lẻ (phiên chính là các ngày 3 và 7, còn phiên xép họp các ngày lẻ còn lại). Nhưng vào dịp Tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên chợ có thể họp cả ngày, vì vậy không khí Tết ở chợ quê càng trở nên nhộn nhịp hơn từ ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Lương Hà

 Nhiều năm liền phụ mẹ đi chợ Tết sắm đồ, chị Lương Hồng Ngọc chia sẻ: "Mặc dù đã sắm đủ đồ Tết, nhưng tôi vẫn muốn đi chợ vào ngày cuối năm. Bởi cảm giác đi chợ Tết có gì đó rất đặc biệt, được lắng nghe những âm thanh rộn ràng, tiếng hỏi giá, tiếng chào mời thân thuộc với chất giọng của người quê đặc quánh, thân quen và đậm chất Tết". Ảnh: Lương Hà
Các mặt hàng nông sản ở chợ chủ yếu là của bà con đem từ vườn ra hoặc các chợ đầu mối đổ về làm cho chợ quê thêm phong phú. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành,... đến cả những nải chuối, buồng cau... đều có ở chợ quê. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Lương Hà
Tự tay đan từng chiếc rổ, chiếc nia, chiếc dần,... mang đến chợ bán, ông Nguyễn Đình Sửu (xã Hồng Châu, huyện Đông Hưng) vui vẻ kể: “Tôi ngồi bán ở chợ này cũng gần 30 năm nay rồi, vẫn cái không khí đông vui nhộn nhịp hơn mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nhưng năm này thị trường hơi ảm đạm, người đi chơi chợ Tết thì đông, còn người mua hàng không nhiều như mọi năm nữa". Ảnh: Lương Hà
Nhiều người trẻ lựa chọn đi chợ quê ngày Tết để chụp lại cho mình những bức ảnh lưu niệm. Ảnh: Lương Hà
 Khu vực bán đồ ăn đông vui, nhộn nhịp người mua hàng. Ảnh: Lương Hà
Những chiếc bánh rán nóng hổi vừa được rán xong. Ảnh: Lương Hà
Góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những gian hàng hoa, những dãy bòng bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già và hình ảnh các cụ đi chợ sắm đồ Têt. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp (thùng nhựa) rồi bày nông sản trên đó. Ảnh: Lương Hà
Khung cảnh chợ quê như một thước phim quay chậm, nơi mà cả người bán lẫn người mua đều quen mặt biết tên người đầu làng cuối xã; nơi không có nói thách, mặc cả, nơi có bà có mẹ với đôi quang gánh mong kiếm thêm đồng tiền tiêu Tết. Ảnh: Lương Hà
Nhiều đứa trẻ háo hức được bố mẹ, ông bà cho đi chợ Tết mua quần áo, đôi dép đẹp đi chơi Xuân.  Ảnh: Lương Hà
Khu vực đất trống phía ngoài chợ cũng được nhiều người dân tận dụng làm nơi bán hàng. Ảnh: Lương Hà
Phiên chợ Tết ở quê nhờ vậy lại mang thêm không khí vui tươi, nhộn nhịp những ngày Tết đến xuân về. Cũng từ chợ quê, tình làng, nghĩa xóm thêm thắt chặt, xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Lương Hà

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn