MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm dừng xe buýt chuẩn châu Âu ở Hà Nội hiện ra sao sau một năm thí điểm?

Tùng Giang - Đinh Thiện LDO | 21/10/2021 18:00
Sau hơn 1 năm thí điểm điểm dừng xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu (tại số 1 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội), mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) đã báo cáo Sở GTVT Hà Nội phương án nhân rộng thí điểm mẫu biển báo này.
 Nhằm thực hiện mã hoá hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt; cải thiện, đổi mới cách thức thông tin về lộ trình, điểm dừng đỗ và đặc biệt thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt của thành phố, Tramoc đã tiến hành lắp đặt thí điểm mẫu biển báo điểm dừng xe buýt tiêu chuẩn châu Âu tại vị trí điểm dừng xe buýt số 1 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội).
Mẫu biển báo có chiều cao hơn 3m; mái che có điện chiếu sáng giúp hành khách tra cứu thông tin khi trời tối, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm dừng. 
 Ngoài ra, bảng thông báo mới có diện tích gấp 2 lần biển báo hiện tại, cho phép cung cấp nhiều thông tin về các chuyến buýt; bảng thông tin phía trên mái biển báo cũng cung cấp thông tin về nhận biết điểm dừng, số hiệu các tuyến dừng, tên điểm dừng giúp hành khách, người lái xe buýt dễ quan sát.
 Ngày 21.10, theo ghi nhận của Lao Động, sau hơn một năm thí điểm, mẫu biển báo điểm dừng xe buýt mới theo tiêu chuẩn châu Âu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, điểm dừng chờ xe buýt này đã bắt đầu xuất hiện tình trạng xuống cấp dù sử dụng chưa lâu.
 Một số hạng mục, chi tiết của điểm dừng chờ xe buýt tại số 1 phố Kim Mã xuất hiện vết lõm. Tình trạng rỉ sét trên bề mặt cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm công dụng và tuổi thọ của mẫu biển báo điểm dừng xe buýt. 
Ông Nguyễn Anh Sơn (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên sử dụng xe buýt tại điểm chờ này cho biết: “Điểm dừng chờ xe buýt cũng khá tiện lợi, có mái che, chữ to giúp người già đọc dễ dàng. Thông tin đầy đủ, thay vì trước đây mình phải ngước lên mới thấy được thì bây giờ chỉ cần nhìn thẳng là đọc được thôi. Tuy nhiên, biển báo mới được một năm đã có dấu hiệu xuống cấp, móp méo. Cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng và độ bền của hệ thống này". 
 Còn theo ông Nguyễn Thiện Giang (Ba Đình, Hà Nội), điểm dừng xe buýt này khác các điểm khác ở chỗ trông có vẻ khang trang và dễ đọc hơn. Nhưng theo ông Giang, nếu biển có hệ thống báo ví dụ xe 50, xe 52 còn bao nhiêu thời gian nữa sẽ đến bến thì nó tốt hơn.
“Để có thể nhân rộng và đảm bảo chất lượng của hệ thống dừng xe buýt cũng cần cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình sử dụng. Ngoài ra người dân cũng cần có ý thức bảo vệ tài sản chung", ông Giang nói. 
Để nhân rộng mô hình lắp đặt này, thời gian qua Tramoc đã phối hợp với Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) tiến hành khảo sát và lựa chọn được 70 vị trí phù hợp, cụ thể gồm: Trục đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự (11 điểm); trục đường vành đai 2 Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - Láng - Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ (15 điểm); trục đường vành đai 3 Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng (24 điểm); Láng - Bưởi - Võ Chí Công (3 điểm) - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu (8 điểm); Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (9 điểm).
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình UBND TP.Hà Nội việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận huyện nội thành theo hình thức đối tác công tư.
Theo đó, Sở GTVT dự kiến đầu tư, xây dựng và lắp đặt mới 600 nhà chờ xe buýt tại 12 quận nội thành. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; lắp đặt 1200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Dự án có tổng vốn đầu tư là gần 1.000 tỉ đồng, dự kiến xây dựng trong 7 năm và thời gian hoạt động là 20 năm. 

This browser does not support the video element.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn