MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau hơn 10 năm hoàn thành việc cải tạo. Ảnh: Hữu Chánh

Diện mạo dòng kênh ô nhiễm bậc nhất TPHCM sau hơn 10 năm cải tạo

HỮU CHÁNH LDO | 05/08/2023 17:23

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời ô nhiễm, không có sự sống đã được "khoác áo mới" với dòng nước xanh trong, làm đẹp diện mạo TPHCM.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, đen ngòm và hôi thối.
Những năm 1990, chính quyền TPHCM lên kế hoạch cải tạo nhưng khó khăn về vốn nên chưa thể thực hiện. Đến năm 2002, thành phố triển khai dự án cải tạo tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng.
Hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người được di dời để thực hiện dự án trọng điểm. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16 km bờ kè, thi công 9 km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...
Đến năm 2011, công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khánh thành. Để chỉnh trang cảnh quan dọc tuyến, thành phố đầu tư hơn 550 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa từ đường Út Tịch (Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 1) dài khoảng 15 km.
Đoạn kênh uốn lượn qua khu cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) với dòng nước trong xanh, nhiều loại cây xanh lớn được trồng hai bên, tán rộng tạo bóng mát. Trong dự án cải tạo, có 16 cây cầu dọc tuyến kênh được sửa chữa, xây mới.
Bóng mát của hàng cây xanh, không khí trong lành dọc hai bờ kênh sau khi được cải tạo. Nhiều loài cây, hoa, tiểu cảnh… được trồng trên vỉa hè đường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Nguyễn Văn Nam (sống gần cầu Kiệu, quận Phú Nhuận) cho hay, năm 1975, hàng nghìn hộ dân tới đây dựng nhà đã lấn chiếm hai bên bờ kênh. Không có hệ thống cống, toàn bộ nước sinh hoạt và rác thải xả thẳng xuống khiến kênh ngày càng ô nhiễm. "Khi đó không ai dám nghĩ một ngày được tản bộ dọc con kênh sạch đẹp thế này“, ông Nam kể về thời điểm dòng kênh ô nhiễm nặng.
Hệ thống máy tập thể dục ngoài trời được lắp đặt dọc tuyến kênh để phục vụ người dân.
Mỗi ngày, công nhân môi trường đi thuyền vớt rác thải, lục bình, cá chết... dọc tuyến kênh. Từ tháng 2.2020, chính quyền thành phố chi hơn 36 tỉ đồng nạo vét bùn, rác gần 9 km kênh để giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường nước. Với độ sâu nạo vét từ 0,9 đến 1,1 m, khoảng 122.000 m3 bùn được hút lên sau đó đem đến xử lý ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Những chiếc lồng đèn hình hoa sen lung linh vào lễ Phật đản (15.4 âm lịch) năm 2023. Người dân đứng kín hai bề bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để chiêm ngưỡng những cánh hoa đăng lung linh mang theo những lời cầu phước.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời ô nhiễm, không có sự sống, nay đã được cải tạo khiến nước trong xanh, cải thiện môi trường cho hàng triệu hộ dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn