MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Diện mạo thành phố mới Bình Dương sau hơn 10 năm xây dựng

ĐÌNH TRỌNG LDO | 20/08/2023 09:44

Thành phố mới Bình Dương sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, không còn hoang vắng như trước. Nhiều doanh nghiệp đến Bình Dương mở văn phòng, hàng chục ngàn lao động chọn nơi đây để làm việc và sinh sống. Mỗi ngày, đô thị trẻ này đang trở nên sôi động hơn.

Thành phố mới Bình Dương - không phải là một địa danh hành chính mà là tên gọi của một đề án xây dựng đô thị trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị tỉnh Bình Dương nằm trên địa bàn các phường Phú Mỹ, Định Hòa, Phú Tân, Hòa Phú của thành phố Thủ Dầu Một và phường Hòa Lợi của thị xã Bến Cát, phường Phú Chánh của thành phố Tân Uyên. Đề án được phê quy hoạch từ năm 2009 và khởi công xây dựng từ tháng 4.2010. Nơi này kỳ vọng tạo ra nơi định cư cho khoảng 125.000 người dân và 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Dự án thành phố mới Bình Dương được quy hoạch xây dựng nhiều phân khu như: Khu Trung tâm hành chính tỉnh; Khu văn phòng cho thuê, nhà hàng – khách sạn cao cấp; Khu trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; các khu phục vụ cộng đồng như quảng trường, công viên, hồ sinh thái, trung tâm văn hóa, nhà trẻ, bệnh viện; Khu trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao…
Nổi bật nhất là tòa nhà Trung tâm hành chính tập trung với tòa tháp đôi cao 21 tầng, vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Năm 2014, khoảng gần 50 sở ngành, đơn vị chức năng cấp tỉnh đã từ các trụ sở cũ di dời vào hoạt động tập trung trong toà tháp đôi này.
Kế bên Trung tâm hành chính tỉnh là Trung tâm hội nghị - triển lãm được xây dựng với tổng vốn đầu tư 416 tỉ đồng gồm nhiều phòng họp với sức chứa gần 1.400 người. Nơi đây đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư, kết nối giao thương hàng chục quốc gia trên thế giới.
Cho đến năm 2018, thành phố mới Bình Dương vẫn còn ít người, nhiều căn nhà xây khang trang chưa có người ở. Thời điểm đó, nhiều người hoài nghi về sự thành công của thành phố mới Bình Dương trong việc thu hút dân cư về sinh sống và doanh nghiệp về hoạt động.
Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, thành phố mới Bình Dương trở nên sôi động hơn. Hệ thống hạ tầng giao thông, dịch vụ, công cộng... được đầu tư xây dựng bài bản. Nơi này trở nên sôi động hơn, thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và giao thương của tỉnh Bình Dương.
Đáng chú ý, Tòa nhà văn phòng WTC Tower cao 30 tầng tại thành phố mới Bình Dương đã được ra mắt vào tháng 3.2023. Đây là điểm đặt văn phòng của nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lớn ở Bình Dương.
Ngay bên cạnh Tòa nhà văn phòng WTC Tower là Trung tâm Triển lãm Quốc Tế - WTC EXPO. Với cơ sở hạ tầng rộng lớn và hiện đại, nơi này trở thành địa điểm tổ chức triển lãm và hội chợ quy mô lớn của nhiều ngành hàng phát triển tại Bình Dương.
Với lợi thế không gian rộng, thành phố mới Bình Dương là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động thể thao văn hóa quy mô lên tới hàng chục ngàn người.
Một điểm nổi bật nữa là hạ tầng giao thông của thành phố mới Bình Dương. Nhiều tuyến đường rộng từ 6-10 làn xe chạy, kết nối linh hoạt với các tuyến huyết mạch của Bình Dương đi đến các khu công nghiệp, trung tâm logistics.
Phương tiện công cộng của thành phố mới Bình Dương là xe buýt xanh - chạy bằng nhiên liệu sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Cũng trong khu vực này, khu nhà ở xã hội Định Hòa với khoảng 3.700 căn hộ đã và đang tạo ra chỗ ở ổn định cho khoảng trên 7.000 lao động.
Thành phố mới Bình Dương đang ngày càng sôi động hơn, chất lượng cuộc sống của người dân ở đây cũng được nâng cao hơn...
Một lợi thế khác, quỹ đất trong thành phố mới Bình Dương còn khá rộng, là điểm hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng đầu tư các toà nhà văn phòng, dịch vụ, khu nhà... Đặc biệt trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục khởi công xây dựng Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn