MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng bào Mông ở xã Cúc Đường, Võ Nhai (Thái Nguyên) địu cả con nhỏ đến lớp học xóa mù chữ.

Địu con xuyên đêm đen, xuyên núi đá đến lớp xóa mù chữ

Việt Bắc LDO | 21/03/2024 16:18

Thái Nguyên - Ngày làm nương rẫy, nhưng tối đến, những bà con dân tộc Mông (xã Cúc Đường, Võ Nhai) lại tiếp tục soi đèn vượt núi tìm đến lớp học xóa mù chữ với mong ước giản dị có thể tự viết được tên mình.

Đều đặn mỗi tối, đồng bào dân tộc Mông tại xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai, Thái Nguyên) lại đến lớp học xóa mù chữ mới được mở. Người ở gần thì đi bộ, người ở xa phải vượt nhiều km đường đèo núi để tới lớp học nhưng hành trang đều giống nhau với những cuốn sách, quyển vở được gói vội trong những túi ni lông.
Từ 19 giờ đến 22 giờ hàng ngày, lớp học sẽ sáng đèn với tiếng ê a đánh vần của những người đàn ông, phụ nữ đã ngoài 30 tuổi. Đều đặn như vậy từ thứ 2 đến thứ 6, lớp học đã mở được hơn 2 tháng nay.
Nhiều bà mẹ ngày bận làm nương rẫy, tối đến không ngại gió rét, mưa phùn, soi đèn, vượt núi để đến lớp tìm con chữ với ước mong giản dị biết đọc, biết viết.
Bà Hoàng Thị Sía (65 tuổi - xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường) là học viên cao tuổi nhất lớp học cho biết: "Tôi đã học được hơn 2 tháng nay, hồi còn nhỏ tôi có đi học nhưng rồi bỏ nên quên hết mặt chữ. Do không biết chữ, nên khi đi làm giấy tờ, thủ tục ở bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dù đã có tuổi tôi vẫn quyết tâm phải đi học, viết được chữ".
Với mong mỏi biết chữ, nhiều bà con dân tộc Mông thậm chí còn địu con cùng vượt đường xa để đến lớp học.
Những bàn chân còn lấm lem bùn đất của các học viên sau quãng đường xa đến lớp học xóa mù chữ.
Ông Đào Văn Lù (xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường) năm nay đã ngoài 50 tuổi cùng vợ ẵm theo con nhỏ đến lớp học. Ông Lù chia sẻ: “Không biết chữ vất vả lắm, động đến giấy tờ là phải đi nhờ người giúp. Khi biết có lớp học này, hai vợ chồng động viên nhau đến lớp. Hiện tại tôi đã biết đọc, tự có thể viết tên của mình và cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn“.
Cô Nông Thị Luyện - giáo viên trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai, Thái Nguyên) cho hay, lớp học hiện nay có trên 30 học viên và 70% trong số đó là phụ nữ trên 40 tuổi. Tại đây các học viên sẽ được học những môn như tiếng Việt và môn Toán cơ bản, trong suốt quá trình học sẽ có 2 giáo viên cùng tham gia hỗ trợ giảng dạy.
Theo cô Luyện, lớp học chủ yếu là người Mông, quá trình dạy học cũng gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, phát âm khi giao tiếp giảng dạy. Mặt khác, các học viên tại lớp còn là những lao động chính trong gia đình, hàng ngày đi rừng, làm nương nên việc duy trì đầy đủ sĩ số cũng là vấn đề nan giải.
"Các học viên tại đây có nhiều lứa tuổi nên việc tiếp thu kiến thức là khác nhau. Quanh năm bà con đồng bào đã quen với việc cầm cuốc, xẻng làm việc nên khi mới cầm bút viết còn rất lóng ngóng. Bởi vậy quá trình luyện đọc, viết giáo viên phải hướng dẫn thật chậm và tỉ mỉ", cô Luyện chia sẻ.
Trao đổi với PV, bà Phan Thị Phương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai cho biết, trên địa bàn đang triển khai 15 lớp học xoá mù chữ giai đoạn 1 cho 9 xã. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch xoá mù chữ giai đoạn 2024 - 2025 cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Võ Nhai.
"Khai toán kinh phí mở lớp của cả 2 giai đoạn trên toàn huyện Võ Nhai là khoảng 4,4 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1,9 tỉ đồng, dự kiến kết thúc vào tháng 12.2024. Sang giai đoạn 2 dự kiến sẽ mở 20 lớp học. Đến hết 2025, đảm bảo 100% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1, từ đó giúp họ nâng cao kiến thức, cải thiện chất lượng cuộc sống", vị lãnh đạo phòng thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn