MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đô thị Bình Dương nhìn từ trên cao, hàng ngàn nhà xưởng sẽ phải dời vào KCN

ĐÌNH TRỌNG LDO | 05/06/2023 15:00

Hàng ngàn nhà máy nằm xen kẽ với các khu dân cư ở phía Nam tỉnh Bình Dương. Hiện tỉnh này đang tính phương án di dời các nhà máy vào khu công nghiệp ở phía Bắc Bình Dương để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đây là một góc không gian đô thị tại Bình Dương, phía dưới là trục đường ĐT 743C hướng về các khu dân cư và chung cư ở phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tại đây, nhiều nhà xưởng đã được xây dựng từ hơn 20 năm trước. 
Còn đây là trục ĐT 743C hướng về đường ĐT 743. Hai bên đường cũng có rất nhiều nhà xưởng sản xuất công nghiệp. Dĩ An là một trong những địa phương đầu tiên của Bình Dương phát triển công nghiệp từ năm 1995. Trước đây, các nhà xưởng nằm cách xa nhà dân, nhưng quá trình đô thị hóa nhanh, người dân mua đất và xây dựng nhà ở san sát với các nhà máy sản xuất.
Hiện tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án di dời các nhà máy ngoài khu công nghiệp ở các địa phương phía Nam (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một) vào các khu công nghiệp ở phía Bắc. Thống kê sơ bộ, Dĩ An có khoảng 350 nhà máy trong diện sẽ được vận động di dời.
Còn đây là khu vực nhà xưởng sản xuất ngoài khu công nghiệp ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. 
Thành phố Tân Uyên cũng là địa phương phát triển công nghiệp ở Bình Dương, địa phương này có 3 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng bài bản. Còn lại hàng trăm nhà máy sản xuất nằm rải rác ở các phường Tân Phước Khánh, Thái Hoà... Nhiều nhà xưởng xen kẽ, san sát với các khu dân cư.
Địa điểm này nằm bên trục đường Mỹ Phước Tân Vạn chạy hướng về ngã sáu An Phú, Thuận An, Bình Dương. Nơi này không phải là khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, tuy nhiên vẫn có rất nhiều nhà xưởng sản xuất nằm xen kẽ nhau. Thành phố Thuận An có 3 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp.Ngoài ra, còn nhiều nhà xưởng sản xuất nằm rải rác ở các phường Bình Hòa, An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao.
Nhìn từ trên cao xuống, những mái tôn lớn trải rộng và kéo dài là các nhà xưởng sản xuất hàng hóa gỗ, bao bì, may mặc... Trong khi đó, những mái tôn với diện tích nhỏ hẹp khoảng 100m2 đổ lại thì đó là nhà ở của người dân.
Những khu vực có nhiều nhà xưởng sản xuất liền kề khu dân cư, hạ tầng giao thông xuống cấp. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân khi bụi gỗ, khói... khá nhiều.
Nhà xưởng sản xuất lại nằm trong các con đường nhỏ hẹp, khi xảy ra hỏa hoạn xe chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường. Bên cạnh đó là nguy cơ cháy lan sang nhà dân.
 Theo thống kê ban đầu của các địa phương, tại thành phố Thuận An có khoảng 1.000 doanh nghiệp có nhà máy trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, gia công, in ấn... nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc diện sẽ di dời. Hiện địa phương đã tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch đề xuất có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tổ chức di dời. 
Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành tiêu chí doanh nghiệp phải di dời. Sau khi UBND tỉnh ban hành tiêu chí thì sẽ công bố cho các địa phương căn cứ thực hiện, xét chọn doanh nghiệp, công bố các doanh nghiệp phải di dời. Việc di dời cũng sẽ có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị.
Về công năng đất sau khi di dời các nhà máy, hiện vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng. Tuy nhiên, về chủ trương, Bình Dương đang xây dựng các địa phương phía Nam trở thành vùng đô thị, dịch vụ phát triển. 
Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, một phần quỹ đất từ di dời nhà máy sẽ được quy hoạch để phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, tiện ích công cộng phục vụ người lao động. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn