MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo làng nghề làm nồi đất hàng trăm năm tuổi ở Nghệ An

PHẠM THÔNG LDO | 20/04/2024 07:00

Làng nghề nồi đất xã Trù Sơn (Đô Lương, Nghệ An) từ bao đời nay gắn liền với những chiếc nồi đất được làm hoàn toàn thủ công. Chỉ thực hiện bằng tay, cộng thêm chiếc bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng để tạo dáng, làm nhẵn.

Bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi) - một nghệ nhân tại xóm 6, đã gắn bó với nghề làm nồi đất suốt hàng chục năm qua. Đôi tay của bà không cần khuôn vẫn tạo ra được những chiếc nồi đất có kích cỡ đều tăm tắp.
Làng nghề nồi đất Trù Sơn (Đô Lương, Nghệ An) tồn tại từ xa xưa. Theo như tổ tiên truyền lại, làng xuất hiện từ thời nhà Trần, do một công chúa truyền dạy cho người dân trong thuở khai hoang lập ấp. Hiện nay, có khoảng 20 hộ thuộc xóm 6 và xóm 7 của xã Trù Sơn làm nghề này.
Theo bà Hồng, để có sản phẩm tốt, người dân trong làng phải mua đất sét từ xã Nghi Văn (Nghi Lộc) và Sơn Thành (Yên Thành), đây là nguồn đất sét đỏ, có độ dẻo cao, không có bất kỳ phụ gia nào. Đất sét cũng được tuyển chọn và nhào rất nhuyễn trước khi tạo hình.
Để làm được một chiếc nồi đất phải qua rất nhiều công đoạn. Người thợ phải cắt xắn, đâm nhỏ rồi nhào trộn đất thật nhuyễn, nhặt bỏ tạp chất. Dù chỉ làm thủ công, nhưng nồi đất ở đây đã được các nghệ nhân thổi hồn vào từng sản phẩm hết sức tinh tế.
Đất đã nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của những chiếc nồi, siêu.
Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật nhẵn và đem đi phơi nắng, sau đó sẽ được đưa vào lò nung. Công việc đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận, khéo léo, kiên trì và chịu khó.
Trước đây, sau khi hoàn thành sản phẩm, nồi đất sẽ được đựng trong những chiếc sọt, chở bằng những chiếc xe đạp, rong ruổi khắp nơi để đi bán dạo.
Bà Phạm Thị Sự (47 tuổi), một nghệ nhân có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề chia sẻ, khâu nung nồi là quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm. Một mẻ nung như vậy được khoảng 250-300 chiếc. Để tạo ra một thành phẩm, nồi đất phải được nung qua lửa liên tục tầm 4 đến 5 tiếng mới cho ra thành phẩm nồi có màu đỏ nâu, bền đẹp. Gốm được nung bằng lá bổi, lá thông, có chứa nhiều tinh dầu và rơm khô nên sản phẩm giữ được màu nguyên bản vốn có. Muốn gốm chín đều, phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc.
“Nghề này tuy vất vả, nhưng nó là cái nghề kiếm sống, nuôi được 4 người con ăn học đến nơi đến chốn, đến bây giờ các con ai nấy đều thành đạt. Gắn bó với nghề từ thuở nhỏ, cũng mong rằng cái nghề truyền thống này không bao giờ mai một đi”, bà Sự bộc bạch.
Hiện mỗi chiếc nồi đất thành phẩm có giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng tùy vào kích cỡ. Sau khi nung xong, chỉ cần một cuộc điện thoại là thương lái tìm đến tận nhà để thu mua toàn bộ. Theo các hộ dân, trung bình mỗi tháng bán ra được hơn 1.000 sản phẩm, lợi nhuận thu về khoảng 10 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn