MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo lễ cúng Trăng, đút cốm dẹp của đồng bào Khmer

PHƯƠNG ANH - PHONG LINH LDO | 28/11/2023 08:43

Khi trăng tháng 10 âm lịch tròn đầy và sáng nhất cũng là lúc đồng bào Khmer ở Sóc Trăng long trọng tổ chức lễ Oóc Om Bóc còn gọi là Lễ cúng trăng hay Lễ đút cốm dẹp để tưởng nhớ công ơn mặt trăng - vị thần theo tín ngưỡng của người Khmer đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, mang lại no ấm cho người dân ở phum, sóc.

Đồng bào Khmer ở Nam Bộ tổ chức Lễ cúng trăng vào dịp Rằm tháng tháng 10 âm lịch. Ðây là một trong những lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer.
Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần điều hòa thời tiết, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đem lại sự no ấm. Vì vậy đồng bào Khmer tổ chức lễ cúng để tạ ơn vị thần bằng những nông sản vừa thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua.
Cúng trăng có thể được tổ chức tại chùa, tại nhà hoặc một nơi có thể nhìn thấy mặt trăng.
Mâm lễ dâng cúng khá đơn giản, chủ yếu là sản vật gần gũi, trồng hoặc hái được trong vườn nhà như khoai môn, khoai mì, dừa tươi, chuối, các loại bánh làm từ bột. Trong đó, một lễ vật bắt buộc phải có là cốm dẹp - một loại cốm được dùng bằng hạt nếp vừa chín tới rang rồi quết dẹp.
Bà Dương Thị Quý - một hộ Khmer ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: Đồng bào Khmer chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và rau màu theo 2 mùa mưa nắng. Hằng năm vào ngày 15.10 âm lịch cũng là thời gian thu hoạch sản vật. Lúa nếp thu hoạch sớm nhất, nên người ta chọn nếp làm cốm dẹp dâng cúng thần mặt trăng với hy vọng năm sau mùa màng sẽ tiếp tục bội thu, người người an cư lạc nghiệp.
Ngoài ra, bà con còn trang trí 2 cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “Vành đai vũ trụ“. 3 cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho 3 mùa trong năm là “nắng, mát, mưa“.
12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp“. 7 trái cau có hình dáng con ong bầu tượng trưng cho “7 ngày trong tuần“. 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho “tháng đủ” và 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho “tháng thiếu“.
Dưới ánh trăng, mọi người trong gia đình cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn thần linh. Các vị sư đọc kinh cầu an và ban phước lành cho mọi người.
Nghi thức quan trọng được thực hiện sau đó là đút cốm dẹp.
Các sư sãi, các vị achar, người có uy tín trong cộng đồng phum, sóc hoặc người cao tuổi nhất trong gia đình bốc từng nắm cốm dẹp lần lượt đút vào miệng người nhỏ tuổi rồi vỗ nhẹ sau lưng và hỏi những điều ước nguyện của con cháu.
Những năm gần đây, một số tỉnh ở ĐBSCL đã tổ chức phục dựng Lễ cúng trăng vào dịp lễ Oóc Om Bóc.
Theo ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, việc tổ chức phục dựng Lễ cúng trăng theo nghi thức truyền thống nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, tạo ra sản phẩm du lịch đặt trung phục vụ du khách theo hướng liên kết vùng, miền. Đồng thời, gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn