MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ “đám chay” là một trong những nghi lễ quan trọng và độc đáo của người Dao Tiền ở Hoà Bình Ảnh: Khánh Linh

Độc đáo lễ "đám chay” của người Dao Tiền ở Hoà Bình

Khánh Linh LDO | 27/03/2022 17:14
Hoà Bình - Lễ “đám chay” là một trong những nghi lễ quan trọng và độc đáo của người Dao Tiền ở Hoà Bình để giải oan, cầu siêu cho linh hồn những người đã khuất.
  Lễ đám chay là một tín ngưỡng hết sức phổ biến của dân tộc Dao. Đối với người Dao Tiền ở Hoà Bình, đây là dịp để giải oan, cầu siêu cho linh hồn những người đã quá cố trong dòng họ, đồng thời là lễ cấp sắc 12 ngọn đèn (cấp sắc thượng cấp) cho người là trưởng họ và cao tuổi nhất trong họ.
Để thực hiện đám chay, phần chuẩn bị công phu và tốn kém nhất là làm tiền âm phủ theo phong tục người dao. Để làm đủ số tiền âm phủ, cần đến 17.000 tờ giấy. 

Số tiền cần chuẩn bị là 1.100 bó, mỗi bó 18 cuộn tiền, mỗi cuộn được gấp từ tờ giấy in có 6 con ngựa và 6 tờ tiền. Cần 25 người làm từ 5h sáng đến 11h đêm để đủ tiền phục vụ cho nghi lễ này.
Lễ Đám chay thường được thực hiện ròng rã trong 4 ngày, đêm với 12 thầy cúng thay phiên nhau hành lễ. Trước khi thực hiện lễ này, con cháu trong dòng họ phải kiêng kỵ theo các nguyên tắc như ăn chay, không sát sinh, không làm việc xấu trong vòng 120 ngày, tính từ ngày bắt đầu hành lễ trở về trước.
 Theo quan niệm của người Dao Tiền ở Hoà Bình, những người mất khi còn trẻ do tai nạn, bệnh tật hoặc hy sinh vì chiến tranh sẽ được cầu siêu trong dịp này. Mỗi lần hành lễ và chèo, một linh hồn sẽ được siêu độ. 
Ông Bàn Văn Thơn, người Dao thuộc xóm Rướng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình cho biết: “Tuỳ thuộc vào lí do mất của mỗi người mà số tiền âm được phân chia hợp lý”.
Trong tiếng trống chiêng, tiếng chuông và những nhịp chèo, các linh hồn được thầy cúng gọi về để siêu độ cho họ được thanh thản nơi âm giới. 
 Trong lễ Đám chay của dòng họ Lý ở xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) lần này, người được cấp sắc 12 ngọn đèn là ông Lý Văn Hềnh - trưởng họ và là người cao tuổi nhất trong họ.
Cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất và họ phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao. Theo nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh, người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành "sư phụ", là thầy cúng cấp cao, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng
 12 thầy cúng được mời về từ các địa phương của tỉnh Hoà Bình, thậm chí có nhiều người được mời về từ huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La. 
Mỗi lễ vật trong nghi lễ quan trọng này là do các thành viên trong gia đình, dòng họ tự tay chuẩn bị trong một năm để thể hiện sự trân trọng và lòng thành kính với tổ tiên những người đã khuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn