MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo lễ khai hội Hội vật cầu nước làng Vân

Nguyễn Huế LDO | 12/05/2022 18:30

Bắc Giang - Ngày 12.5 (tức ngày 12 tháng 4 Âm lịch) lễ hội vật cầu nước thôn Yên Viên (còn gọi là làng Vân) xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc.

Lễ hội cầu nước làng Vân được diễn ra 3 ngày liên tiếp (từ ngày 12 đến 15.5). Đây là một trong những giá trị văn hóa tâm linh mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trước khi các trận cầu nước được diễn ra, nhà đền tổ chức lễ xin Ngài chuyển đồ tế rước từ đền thờ Thánh Tam Giang (xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) lên đền Trung.
Sau đó làm lễ xin rước sắc phong của Vua ban cho đức Thánh và dân làng về lại đền thờ Thánh Tam Giang để chính thức khai hội.
“Lễ xin rước sắc phong của Vua là một phần không thể thiếu của lễ hội vật cầu nước làng Vân, qua đó thể hiện sự trận trọng và biết ơn của người dân” - ông Nguyễn Tuấn Khôi, trưởng ban khánh tiết nhà đền chia sẻ.
Những người trong ban tế phải là phu phụ song toàn, bản thân có uy tín với dân làng, được mọi người yêu mến, kính nể. Cùng với việc chọn người vào ban tế thì việc cắt các chân phù giá như vác cờ, khiêng kiệu, hương án và tập dượt đều do làng bầu chọn.
Tương truyền rằng khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương. Khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện nếu thắng, chúng phải được thưởng còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh.
Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Từ đó, tại đền chính của làng Vân, nơi thờ Đức thánh Tam Giang người dân tổ chức tái hiện lễ vật cầu nước nhằm ca ngợi công lao đánh giặc, thu phục quỷ đen của Đức thánh Tam Giang.
Lễ hội vật cầu nước làng Vân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam được diễn ra 4 năm một lần.
Lễ xin rước cùng các hoạt động múa lân đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách từ khắp nơi. Tất cả đã sẵn sàng bước vào những trận cầu nước sôi động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn