MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo nghề “bà truyền cháu” làm thay đổi cuộc sống ở vùng biên

NGUYÊN ANH LDO | 22/08/2020 14:00
Nghề đan cỏ bàng của người dân vùng biên giới huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang từ lâu đã nổi tiếng gần xa. Không chỉ đem lại thu nhập khá ổn định mà nghề còn mang nét độc đáo trong cách truyền dạy.
Từ nhiều thế kỷ qua, nghề đan cỏ bàng của người Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã rộn ràng khắp xóm. Khắp các con đường hay bãi đất trống, người dân tận dụng để phơi cỏ bàng trông rất đẹp mắt.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Thị Thia đã có 4 đời làm nghề đan đệm cỏ bàng. Hơn 70 tuổi nhưng đôi tay vẫn khéo léo, nhanh nhẹn, bà Thia vui vẻ kể: “Mẹ truyền nghề lại cho tôi, tôi dạy lại cho con gái, giờ là đến 2 đứa cháu gái. Đứa nào đan cũng giỏi, nhỏ xíu chừng 5 tuổi là biết đan rồi”.
Công việc đan lát các sản phẩm từ cỏ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, nên phù hợp cho phụ nữ và trẻ em. Cũng vì lẽ đó mà nghề này được bà con nói vui là nghề dành cho phụ nữ, bà truyền mẹ, mẹ truyền con gái cứ thế cho đến hôm nay. Năm 2018, làng nghề đan cỏ bàng được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Kiên Giang.
Đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên hơn 2.500ha, cho thu hoạch quanh năm. Nhiều nhất là vào mùa nước nổi từ tháng 8 - 11 hàng năm. Đầu năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã quyết định thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ nhằm ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đến thăm HTX Phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ ở Ấp Trà Phọt, ai nấy đều tất bật với công việc. Năm 2019, không tính đơn hàng lẻ thì 25 thành viên thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đệm bàng với số lượng hơn 8.400 sản phẩm, thu về hơn 264 triệu đồng. Thu nhập bình quân cộng chia lợi nhuận thì mỗi thành viên kiếm thêm 3 triệu đồng/tháng từ thời gian rảnh đi đan cỏ bàng.
Ngoài thị trường trong nước, nhờ vào độ khéo léo và tính năng thân thiện môi trường mà các sản phẩm cỏ bàng đã có mặt ở Nhật Bản, Trung Quốc đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu. Chiếc túi xách có phần đáy bọc đen này là mặt hàng xuất đi Châu Âu.
Anh Lý Hoàng Bảo, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện nay theo xu thế của thị trường và được hỗ trợ dạy nghề nên bà con đã biết đan rất nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng. Các sản phẩm làm ra được các công ty đặt hàng và mang đi xuất khẩu”. Một số sản phẩm được vẽ thêm họa tiết, trang trí nên trông càng đặc sắc hơn.
Trước đây, bà con người Khmer chủ yếu dùng cỏ bàng để đan đệm, túi đơn giản, lợi ích chưa cao do sản phẩm làm ra bán ra theo lối tự phát. Hiện nay vào HTX thì thu nhập tăng cao hơn, giúp đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Chị Lê Thị Hồng Diễm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ cho biết: “TW Hội LHPN, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang đã có nhiều hỗ trợ cho các thành viên HTX. Phần địa phương thì rất quan tâm và ủng hộ nghề truyền thống này. Phía phụ nữ xã chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật đan mới cho bà con để đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn