MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trượt mong bắt cá trở thành nghề mưu sinh chính của nhiều hộ dân ở miền biển Mỏ Ó (Trần Đề, Sóc Trăng)

Độc đáo nghề trượt mong mưu sinh trên bãi bồi Mỏ Ó

PHƯƠNG ANH LDO | 24/09/2023 17:02

Chỉ bằng những mảnh gỗ ghép vào nhau, ngư dân ở ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng) dễ dàng di chuyển trên những bãi bùn, sình lầy lún đến nửa thân người. Người dân địa phương gọi đó là “trượt mong” - nghề mưu sinh độc đáo được hình thành trong quá trình lao động của những cư dân miền biển này.

Bãi biển Mỏ Ó (ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản. Khi thủy triều rút người dân nơi đây ra đây bắt cá, cua, sò huyết,… Tuy nhiên do phù sa bồi đắp, nhiều sình lầy không thể lội hàng km nên những cư dân nơi đây đã nghĩ ra cách lấy nhiều tấm ván gỗ mỏng ghép l̀ại thành phương tiện di chuyển trên bùn lầy.
Cách di chuyển là một chân đứng hoặc quỳ lên tấm ván gỗ còn một chân dưới bùn đẩy cho ván lướt đi. Chính động tác khom cúi người làm mông nhô lên cao lúc trượt ván khiến đây được gọi là nghề trượt mong.
Dù chỉ là một tấm ván rộng khoảng 30cm, dài hơn 1m nhưng quá trình tạo ra chiếc mong cũng không hề đơn giản. Ván gỗ không quá dày để bớt sức nặng, cũng không quá mỏng vì sẽ mau mòn. Ván thường là cây me nước, dầu hoặc mù u vì có độ bền cao, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng đến 2 - 3 năm. Để thuận tiện, người dân còn đóng tay vịn, chỗ để giỏ, nước uống và cả thức ăn.
Nghề trượt mong tìm bắt hải sản ven biển đã trở thành nghề mưu sinh của người dân nghèo ở ấp Mỏ Ó. Hiện nay có khoảng hơn 20 hộ theo nghề. Họ trượt trên mong rất dễ dàng và điệu nghệ.
Mỗi tháng, người dân chỉ trượt mong được khoảng 10 - 12 ngày vì phụ thuộc vào con nước. Khi thủy triều rút cạn, bãi bồi lộ dần, từ người già, trai tráng đến phụ nữ, trẻ em lại tất bật vào cuộc mưu sinh.
Họ dùng mong làm phương tiện di chuyển để bắt nghêu, cá kèo, cá bống. Vào ban đêm thì thanh niên, đàn ông trượt mong để soi cua, cá ngát.
Ông Lý Minh - một hộ dân đã có trên 25 năm theo nghề trượt mong ở Mỏ Ó - cho biết: “Nhìn trượt đơn giản nhưng phải đúng kỹ thuật thì mới nhanh và giữ được sức bền. Khi trượt một chân tỳ gối lên chiếc mong, chân còn lại đạp xuống bùn để đẩy chiếc mong lao tới phía trước. Hai tay thì vịn ở phía tay cầm để điều khiển hướng đi theo ý muốn. Với những người có sức khỏe tốt thì mỗi cú đạp, chiếc mong có thể lao đi xa đến 3m. Vì vậy khi có chiếc mong này, việc đánh bắt thủy hải sản của bà con đỡ phần vất vả”.
Những hộ làm nghề trượt mong ở Mỏ Ó đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất nên nương vào bãi bồi kiếm sống dù ngày nay lượng cá tôm không còn hào phóng như xưa. “Mong chỉ dùng làm phương tiện để di chuyển chứ không có chức năng bắt cá. Cá làm hang sâu vào lòng đất nên phải dùng tay thò vào hang mò bắt, có khi khom người sát xuống sình bùn. Mỗi ngày chỉ 1, 2kg cá bống sao, thu nhập hơn một trăm ngàn đồng. Nếu không đi mong bắt cá thì cũng không biết làm nghề gì“, ông Tăng Hiền - một hộ trượt mong bắt cá ở Mỏ Ó - cho biết.
Bà Trần Thị Út - một người trượt mong đi bắt sò huyết ở Mỏ Ó - cho biết: “Trước đây mỗi ngày có thể bắt được 3 - 4 kg sò huyết giống, bây giờ chỉ còn 1- 2kg, thu nhập được vài chục ngàn đồng, có khi trúng thì cũng chưa đến 200.000 đồng. Nghề này lấm lem bùn đất, dầm mưa dãi nắng cơ cực lắm. Nhưng vì không nghề nghiệp, không đất sản xuất nên cứ nương vào cái mong, vào bãi bồi này mà kiếm sống”.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương của huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) còn tổ chức hội thi đẩy mong nhằm bảo tồn nghề đặc trưng. Bên cạnh đó, hình thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, du khách đến đây ngoài thưởng thức các món ăn của miền biển còn được trải nghiệm nghề trượt mong độc đáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn