MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo nghi lễ dựng nêu trong lòng Di sản Huế

PHÚC ĐẠT LDO | 05/02/2021 19:01

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ dựng nêu (Thướng tiêu) tại 3 địa điểm: Triệu Tổ Miếu; Hiển Lâm Các - Thế Miếu, Đại Nội Huế và Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3 Lê Trực, TP.Huế). Đây là nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn.

Ngày 5.2, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nằm trong khuôn khổ các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tại Hoàng cung Huế, trung tâm này đã tổ chức Lễ dựng nêu (Thướng tiêu) tại 3 địa điểm: Triệu Tổ Miếu; Hiển Lâm Các - Thế Miếu, Đại Nội Huế và Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3 Lê Trực, TP.Huế). Đây là nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn.
Lễ dựng nêu tại khu Di sản Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng và tổ chức hằng năm. Trên cơ sở chất liệu cung đình, trung tâm đã xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về dựng nêu trong chốn hoàng cung, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề, đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.
Tại Triệu Miếu, Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang.
Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ của lễ Thướng tiêu được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc.
Sau phần lễ, 10 lính khỏe mạnh tiến hành dựng nêu. Khi nêu đã được dựng lên báo hiệu Tết đã về, triều đình phong ấn nghỉ ngơi.
Sau Triệu Miếu, Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại điện Long An, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 6 Tết Nguyên đán.
Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân dựng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy. Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà từ xa xưa, ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Lễ dựng nêu ngày Tết tại Hoàng cung là nghi lễ truyền thống, thể hiện bản sắc xứ Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô. Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào sáng mồng 7 tháng Giêng, sau lễ hạ nêu thì mọi công việc mới khởi sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn