MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo Tết mừng lúa mới của người đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn

HƯNG THƠ LDO | 28/01/2023 08:14

Khi vụ mùa xong xuôi, hạt lúa khô khén cất kỹ trên những ngôi nhà sàn, người đồng bào thiểu số Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị tổ chức Tết mừng lúa mới, cầu mong vụ mùa tới mưa thuận gió hòa.

Mừng lúa mới là lễ hội quan trọng nhất của người Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Tuy nhiên, với sự giao thoa văn hóa như hiện nay thì bản sắc văn hóa này đang bị mai một dần. Vì vậy, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa đã tổ chức phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới” trước hết là để nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy cũng như nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc cho đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Tại buổi phục dựng lễ hội mừng lúa mới, mở màn biểu diễn là hình ảnh các chàng trai, cô gái Vân Kiều lên rẫy tuốt lúa từ sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời còn chưa kịp thức dậy, khi con chim trên rừng còn chưa cất tiếng hót.
Dụng cụ mang theo của các chàng trai, cô gái lên nương rẫy là những chiếc A chói và A giăng, tức là gùi và giỏ. A chói và A giăng được thiết kế nhỏ gọn, buộc một bên hông để đựng lúa một cách thuận tiện nhất, hạn chế sự rơi vãi của hạt lúa. Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế, tỉ mỉ, các chàng trai, cô gái thu hoạch những hạt lúa chắc mẩy, chín đượm đúng độ vàng ươm rồi đem về sàng, sảy.
Lúa sau khi tuốt đưa về nhà sẽ được để ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, lúa được bà con đem phơi khô, những hạt mẩy nhất đem cất. Để sử dụng cho bữa ăn, lúa được đem ra giã bằng cối. Công đoạn giã gạo thường là công đoạn được người phụ nữ đảm nhận.
Với đôi bàn tay khéo léo nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn, các chị, các mẹ Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những mẹt gạo trắng ngần, thơm ngon.
Trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều chuẩn bị lễ vật rất chu đáo. Các chàng trai Vân Kiều khôi ngô, khỏe mạnh cầm cung, nỏ, ná, đeo nơm lên rừng xuống suối để tìm kiếm những sản vật mà thiên nhiên ban tặng. Còn các cô gái Vân Kiều sẽ cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng, xuống suối bắt cá.
Bản làng của người đồng bào thiểu số Vân Kiều thường ở cạnh các con suối. Ở đó, có các loại cá suối ngon mà người dân chỉ cần dùng các dụng cụ thủ công cũng có thể đánh bắt được. Dù không bắt được nhiều, nhưng cũng góp phần cải thiện bữa ăn.
Sau khi các vật tế được chuẩn bị xong là tới công đoạn làm các món ăn để bày trong mâm cúng lễ. Nam giới thì làm gian nước, gian củi, gian bếp, gà, heo, cá rồi nướng cá, hấp cá, gùi ống cá; nướng thịt, luộc thịt, gùi ống thịt lợn; nướng gà, luộc gà, nướng đọt mây, thui cơm lam, rót rượu cần, rượu trắng. Nữ giới làm tất cả các loại gia vị, trộn gia vị cho các món ăn theo từng loại; ngâm gạo, ngâm nếp để nấu cơm, nấu xôi; luộc sắn, ngô, khoai... và chuẩn bị chu đáo lễ vật dâng cúng, làm sao đảm bảo yếu tố hấp dẫn, đẹp mắt và an toàn thực phẩm.
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, các lễ vật sẽ được đặt vào mâm và dâng lên nhà sàn chính để tiến hành lễ cúng.
Khi lễ vật đã được bày biện xong cũng là lúc người lớn tuổi, người có uy tín trong dòng họ thực hiện nghi lễ cúng bái.
Theo nghi lễ truyền thống, chủ lễ sẽ khấn vái tổ tiên và mời các vị thần linh như: Thần lúa, Thần trời, Thần sông suối, Thần cây cối về dự lễ để báo cáo kết quả vụ mùa, đồng thời tạ ơn thần linh đã cho bản làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cùng với các lễ vật gồm heo, gà, cua, cá, sóc, các loại nông sản thì phần dâng cúng không thể thiếu khăn, áo, váy và một số trang sức của người phụ nữ Vân Kiều. Với quan niệm Thần lúa là nữ giới nên trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều dâng kèm các trang phục của nữ giới.
Sau phần lễ là phần hội với sự hòa trộn âm thanh giữa tiếng khèn, tiếng đàn của các chàng trai và tiếng hát của các cô gái. Tiếng khèn, tiếng đàn cùng làn điệu dân ca Tà oải, Oát xa nớt vốn là di sản văn hóa quý báu và đặc sắc của người Vân Kiều. Lời hát là các làn điệu dân ca truyền thống mang ý nghĩa cầu chúc cho cuộc sống an bình, ấm êm.
Người dân quây quần bên nhà sàn ở trung tâm bản ăn uống, hát hò, thổi khèn, thổi sáo. Đó là ngày để dân bản bày tỏ sự biết ơn và cầu mong các đấng thần linh tiếp tục phù hộ cho những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng luôn đủ đầy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn