MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Món đồ chơi dân gian làm từ đồ tái chế

Độc lạ món đồ chơi dân gian của phụ nữ miền Tây

PHONG LINH LDO | 14/07/2022 06:00

Cần Thơ - Tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy chỉ cần một ít đất sét, dây chì, mút màu, gia đình chị Nguyễn Thị Bé Ba có thể chế tác những món đồ chơi dân gian từ đồ tái chế. 


 Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Bé Ba (48 tuổi, Cần Thơ) khi chị vẫn đang tẩn mẩn cầm nắn món đồ chơi trên tay. Chị cho biết, hơn 20 năm qua, gia đình chị đã sinh sống bằng cái nghề này.
 "Ban đầu, tôi được chỉ dạy từ một người em trong gia đình rồi nhiều anh, em học theo làm bán, đi tỉnh 2,3 ngày mới về. Về sau thị trường khó khăn hơn nhiều nên các thành viên trong gia đình ngừng sản xuất và buôn bán, nay chỉ còn tôi theo nghề", chị Bé Ba chia sẻ.
 Chị Bé Ba cho biết các công đoạn để sáng chế ra món đồ chơi này khá công phu, cần nhiều sự tỉ mỉ. Trước tiên, người làm sẽ tiến hành vẽ mẫu con vật lên màu xốp, sau đó cắt cho thành hình. 
 Tiếp đến, chị Bé Ba sẽ vẽ mắt cho bồ câu, mỗi con mắt đều phải thể hiện cái hồn của con vật. 
Để con bồ câu di chuyển, chị Bé Ba sẽ làm bánh xe cho bồ câu bằng cách xỏ dây kẽm nhằm liên kết 2 bánh xe, thiết kế bộ phận con quay để con bồ câu di chuyển nhịp nhàng hơn. 
 Để thiết kế bộ trống tạo âm thanh cho chú chim bồ câu, chị Bé Ba cho ngâm xà phòng các nắp chai đã qua sử dụng. Việc tái chế vật dụng này vừa gần gũi vừa giúp bảo vệ môi trường. 
 Công đoạn kế đến là lắp ráp các bộ phận lại với nhau để cho ra thành phẩm. Như vậy, chỉ cần mút xốp, dây thun, dây kẽm, nắp chai,... chị Bé Ba có thể tạo ra con đồ chơi dân gian để cung ứng cho thị trường. 
 Đồ chơi dân gian chim bồ câu thành phẩm có thể di chuyển nhờ động tác đẩy của người chơi. Bồ câu sẽ cất cánh nhờ chuyển động của vòng quay bánh xe. Âm thanh "cốc cốc" sẽ được phát ra từ bộ gõ nắp chai. 
 Khoảng chục năm trước, khi đồ chơi còn "hot", mỗi ngày chị có thể bán lên đến hàng trăm con. Tuy nhiên, hiện tại đồ chơi điện tử nổi lên khiến việc buôn bán của gia đình khá chật vật. Dẫu vậy, chị vẫn quyết bám giữ cái nghề sương gió đã nuôi sống gia đình.  
"Tôi biết, cái nghề này bèo bọt, trẻ em bây giờ cũng thích chơi đồ chơi điện tử, điện thoại hơn nhiều. Nhưng tôi yêu cái nghề này nên không thể bỏ, bởi vậy, dù một ngày chỉ bán được 20 con, tôi và chồng tôi cũng cố gắng làm để bán ở các trường mầm non" - chị Bé Ba chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn