MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những chiếc lò thành phẩm chuẩn bị đưa vào lò nung. Ảnh: S.H

"Đột nhập" làng nghề đúc lò bằng đất sét hiếm hoi còn lại ở miền Tây

SỞ HẠ LDO | 21/12/2019 08:00

Làng nghề đúc lò (làm bếp lò) bằng đất sét ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Đây cũng là làng nghề đúc lò hiếm hoi còn tồn tại ở ĐBSCL. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng bếp lò của người dân ngày càng ít, để tồn tại, làng nghề phải thích ứng trong việc đa dạng sản phẩm làm từ đất sét theo nhu cầu của khách hàng.

Tồn tại qua nhiều thế hệ, thời hoàng kim, những chiếc lò và các sản phẩm đúc bằng đất sét của làng nghề này đã từng có mặt khắp các tỉnh vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Thợ làm đất chuẩn bị nguyên liệu chế tạo đúc lò và các sản phẩm khác. Ảnh: S.H
Những chiếc bếp lò truyền thống đang được tạo hình, sau khi cho đất vào khuôn, thợ sẽ nặn hình lò và để trong khuôn 3 đến 4 ngày mới bắt đầu mở khuôn. Ảnh: S.H
 Sau khi mở khuôn những chiếc lò được đem đi phơi nắng trong vài giờ rồi người thợ bắt đầu giai đoạn gắn miệng lò và chỉnh sửa lò lại lần cuối để thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Ảnh: S.H
Khi hoàn tất việc tạo hình một chiếc lò hoàn chỉnh, người thợ đem những chiếc lò phơi nắng một lần nữa trước khi bỏ vào lò nung. Phải sau khi phơi đủ nắng những chiếc lò mới được nung lên nhằm đảm bảo chất lượng. Ảnh: S.H
 Những bếp lò vừa được nung chín. Mỗi chiếc lò phải được đưa vào lò nung 3 đến 4 ngày. Thời gian này người thợ canh lửa rất kỹ vì giai đoạn này rất quan trọng cũng là giai đoạn có thể xem khó nhất khi làm lò. Nung quá lửa, lò sẽ bị nứt còn nếu không đủ lửa lò sẽ không lên màu đẹp. Ảnh: S.H
Sản phẩm bếp lò truyền thống của làng nghề đúc lò độc đáo này ngày càng thu hẹp thị trường theo nhu cầu phát triển. Để tồn tại, làng nghề phải chuyển hướng sang nhiều sản phẩm khác. Trong ảnh: Người thợ làm nồi ôm thủ công theo phương cách truyền thống. Ảnh: S.H
Tạo hình bằng tay kém hiệu quả, những người thợ của làng nghề tự mày mò, chế tạo máy giúp công việc hiệu quả và làm ra sản phẩm được nhiều hơn. Ảnh: S.H
Phơi nắng sản phẩm trước khi nung. Nếu gặp nắng ở mức độ cao, người thợ phải che màng để giảm nhiệt tiếp xúc nhằm đảm bảo việc phơi phải đều cho sản phẩm. Ảnh: S.H
Những chiếc nồi thành phẩm vừa được nung chín. Hàng của làng nghề đã đi khắp cả nước, nhưng được ưa chuộng nhiều nhất là Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang,… Ảnh: S.H
Nồi ôm sau khi thành phẩm có giá bán dao động tùy kích cỡ nồi và tùy sản phẩm từ 60 - 80 nghìn đồng/cái. Nồi thường sản xuất theo đơn hàng của các thương buôn đặt trước, có khi hơn 1.000 sản phẩm. Ảnh: S.H
Những chiếc khuôn bánh khọt - một sản phẩm khác từ làng nghề được tạo hình hoàn chỉnh. Ảnh: S.H
Để tồn tại, ngoài các sản phẩm lò truyền thống, làng nghề phải linh hoạt, đa dạng hóa các sản phẩm theo nhu cầu thị trường như: Nồi, chum đất, nồi ôm, khuôn bánh khọt, bình trà,… Ngoài ra, các thợ ở đây còn nhận cả hàng đặt gia công theo ý khách hàng. Ảnh: S.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn