MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy đốt rác phát điện nghìn tỉ ở TPHCM khởi công rồi "đứng hình"

Dự án nhà máy đốt rác phát điện nghìn tỉ đồng ở TPHCM khởi công rồi "đứng hình"

HỮU CHÁNH - ANH TÚ LDO | 09/07/2023 06:00

TP Hồ Chí Minh - Lần lượt làm lễ khởi công vào cuối năm 2019, đến nay nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) vẫn chưa ra "hình hài".

Trong bối cảnh mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 9.800 - 10.000 tấn rác thải, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar khởi công các nhà máy đốt rác phát điện vào cuối năm 2019 thay thế cho công nghệ đốt rác, tái chế, chôn lấp cũ. Theo đó, 16.10.2019, TP Hồ Chí Minh khởi công nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5.000 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 28.8.2019, cũng tại huyện Củ Chi, nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar (nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh) đã được khởi công. Cả 2 nhà máy này có cùng công suất 2.000 tấn rác/ngày đêm.
Dự kiến hai nhà máy này hoạt động vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp. Thế nhưng quá hạn 3 năm, các nhà máy này vẫn “nằm trên giấy“, trong khi lượng rác vẫn tăng lên mỗi năm.
Theo ghi nhận của Lao Động, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), tuy có khá nhiều cây cối bao quanh bãi rác, nhưng không thể ngăn cản mùi hôi và không khí ô nhiễm bao trùm cả đoạn đường Tam Tân (chạy dọc kênh Thầy Cai - ranh giới địa chính giữa Long An và TP Hồ Chí Minh).
Các xe chở rác đi lại nườm nượp, liên tục ra vào khu xử lí rác.
Tại đây, hai ống khói của khu xử lí rác thải Công ty Tâm Sinh Nghĩa liên tục nhả khói đen ngòm.
Bên cạnh là núi rác chiếm gần hết khuôn viên.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Vietstar là một bãi lớn chất thải trơ (rác đã qua xử lý) nằm phía cuối khuôn viên công ty, giáp đường kênh 18.
Xe chở rác nối đuôi nhau vào bãi đỗ. Rác được phủ bạt chống thấm HDPE để ngăn tách nước mưa, hạn chế phát tán mùi ra bên ngoài. Tại các ô chôn lấp, rác được đổ nén theo từng tầng bậc thang để kết cấu vững chắc, chống sạt lở.
Theo đại diện Sở TNMT TP Hồ Chí Minh, nguyên do sự chậm trễ này vì Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chưa được phê duyệt nên không thể triển khai thủ tục xin giấy phép xây dựng tại Bộ Xây dựng. Sở này đã kiến nghị thành phố về việc xin ý kiến Bộ Xây dựng có cơ chế về việc thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ (trong khi chờ Quy hoạch điện VIII được phê duyệt) do đây là các dự án có mục tiêu xử lý rác áp dụng công nghệ mới, hiện đại, không phải dự án có mục tiêu sản xuất điện năng.
Hồi tháng 5, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện. TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ chấp thuận cho hai công ty được thực hiện các hạng mục xây dựng tạm (lán trại công nhân, nhà điều hành phục vụ dự án, nhà kho tập kết vật liệu, hàng rào bảo vệ, ép cọc để chuẩn bị mặt bằng...). Trong thời gian này, hai công ty sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm chuẩn bị sẵn sàng, rút ngắn thời gian thi công, thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ khi được phê duyệt.
Theo đánh giá của Sở TNMT, dự án của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025 với điều kiện hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án trong năm nay và rút ngắn thời gian xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị còn 18 - 24 tháng.
Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, yêu cầu tỉ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% năm 2025 và 10% năm 2030. Tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt rác phát điện) và tái chế định hướng đạt ít nhất 80% năm 2025, hướng tới 2030 đạt 100%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn