MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dùng gạch của các tháp trả lại nguyên trạng cho tháp Chăm

NGUYỄN TRI LDO | 08/05/2019 14:35

Ngày 8.5, ông Đặng Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, đã tiến hành khắc phục tháp Chăm sau khi khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng quảng bá du lịch trên di tích tháp Đôi và tháp Bánh Ít gây bức xúc dư luận.

“Sau khi dư luận phản ánh, chúng tôi đã tiến hành cho tháo dỡ và khắc phục. Đơn vị đã tiến hành lấy gạch của các tháp để trám lại các lỗ bị khoan đục” - ông Thọ nói. 
 Trước đó, nhiều người dân bức xúc phản ánh trên mạng xã hội về việc các tháp Chăm bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng quảng bá điểm đến, gây ảnh hưởng đến di tích. 
 Theo ông Thọ, việc gắn bảng quảng bá điểm đến của ngành du lịch Bình Định trên các tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) là do Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) thực hiện, nhằm mục đích quảng bá điểm đến cho ngành du lịch Bình Định.
“Ban đầu, chúng tôi định làm khung có 2 trụ ở hai bên nhưng thấy xấu. Do đó, tôi mới cho anh em khoan mỗi bên 4 lỗ nhỏ để gắn ốc vít vào tường giữ bảng khỏi bị đổ, rồi khi tới mùa mưa sẽ tháo ra vì sợ gió” – ông Thọ cho hay.  
Ngoài ra, đối với câu slogan, đơn vị đã có gửi xin góp ý của Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Sở Văn hóa - Thể thao. Tuy nhiên, việc khoan vào tháp vì thấy đơn giản nên chủ động làm, không xin ý kiến. 
 Tháp Đôi có niên đại cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII, tháp được công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 10.7.1980.
 Còn Tháp Bánh Ít được xây dựng vào khoảng thế kỷ X, trong giai đoạn chuyển tiếp văn hóa từ phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định.
Ở tầng trên cùng của quả đồi là tháp thờ trung tâm và tòa tháp mái cong hình yên ngựa (thuộc hệ thống Tháp Bánh Ít) ở phía nam. 
 Dù không phải là quần thể tháp đồ sộ nhất, nổi tiếng nhất nhưng tháp Bánh Ít tạo cho du khách sự ngỡ ngàng trước sự phong phú trong phong cách thiết kế. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn