MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Được nhà máy bao tiêu, dân trồng mía vẫn khóc ròng vì lỗ

TRI LƯU NHÂN LDO | 23/07/2020 13:40
Nếu những người trồng mía bán lẻ đang sống khỏe, những nông hộ khác, dù mang tiếng được nhà máy bao tiêu, nhưng vẫn lo lắng vì không kiếm nổi đồng lời. Chuyện dở khóc dở cười này đang xảy ra trong mùa mía ở tỉnh Hậu Giang
Năm 2008, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 15 ngàn ha, nhưng đến năm 2020 diện tích trồng mía chỉ còn gần 6 ngàn ha. Trong vụ mía năm 2020, tổng diện tích trồng mía ở tỉnh Hậu Giang là gần 6.000 ha (giảm giảm 2.559 ha so với năm 2019).
Theo nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (nơi trồng mía nhiều nhất tỉnh Hậu Giang), mỗi năm cây mía chỉ thu hoạch một lần, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào cây mía. Song khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi bán mía và trừ tất cả mọi chi phí thì người nông dân chỉ huề vốn, có nhà còn thua lỗ. Trước tình cảnh trồng mía không có lãi, không ít nông dân đang có định hướng chuyển sang những cây trồng khác.
Gia đình bà Lê Thị Tư (sinh năm 1960, huyện Phụng Hiệp) có hơn 20 năm trồng mía. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, giá mía giảm khiến gia đình bà lao đao.
Vụ mía năm 2020, gia đình bà Tư ngoài trồng gần 14 công mía (1 công khoảng 1.000m2), ngoài ra, gia đình bà có trồng thêm các giống như: bầu, bí đao, dưa... để có tiền trang trải thêm cho cuộc sống.
“3 năm nay, sau khi bán 14 công mía, gia đình tôi thu được khoảng hơn 50 triệu đồng, trừ hết chi phí thì không dư đồng nào. Gia đình cũng tính bỏ, nhưng nghỉ thì không biết trồng gì bây giờ. Giờ tôi chỉ mong cây mía có giá 1.000 đồng/kg – loại 10 chữ đường là mừng lắm rồi” – bà Tư nói thêm.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Liêm (sinh năm 1966, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp) cho hay, nhà ông trồng hơn 1 công mía, nhưng cây mía được mua với giá 700 đồng/kg – loại 10 chữ đường và được nhà máy đường hỗ trợ nhưng vẫn không có lời. Vì thế, ông quyết định chuyển qua bán mía chục để là làm nước giải khát, từ đó ông kiếm được 1-2 triệu tiền lời.
Theo Sở NN&PT-NT tỉnh Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh còn 1 nhà máy đường Phụng Hiệp công suất tối đa 3.000 tấn/ngày, công suất hoạt động từ 2.400- 2.600 tấn/ngày; còn nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát và nhà máy Đường Vị Thanh đã đóng cửa ngưng hoạt động niên vụ mía 2019-2020.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có 5.098 ha mía. Trong đó, mía ép nước là 140 ha đã thu hoạch, dự kiến diện tích bán mía ép nước sẽ tiếp tục tăng nhưng không nhiều, tối đa lũy kế khoảng 300 ha.
Ngoài ra, tại huyện Phụng Hiệp và TP.Ngã Bảy, doanh nghiệp có chính sách bao tiêu với nông dân tham gia sản xuất: nếu người dân nhận hỗ trợ vật tư đầu vào 2,5 triệu đồng/ha thì giá bao tiêu 770 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng; còn nếu người dân không nhận hỗ trợ vật tư đầu vào thì giá bao tiêu 800 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng. 
"So với giá thành sản xuất mía trung bình hàng năm thì người dân có lời, tuy nhiên rất ít” - Sở NN&PT-NT tỉnh Hậu Giang cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn