MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gặp gỡ nghệ nhân cuối cùng của nghề “tranh gói vải”

HỒNG LAN - PHƯƠNG THẢO LDO | 23/09/2020 08:43

Tranh gói vải là loại tranh tạo hình nổi bằng chất liệu vải trên nền giấy bìa cứng, được ông Trần Văn Huy hiệu là Thủy Tiên sáng lập và khởi nghiệp từ Sa Đéc xưa. Những người biết và còn làm dòng tranh này hiện nay còn rất ít, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại tỉnh Đồng Tháp chỉ còn duy nhất nghệ nhân Hồ Văn Tai với hơn 60 năm lưu giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng ông Hồ Văn Tai (82 tuổi, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) lại có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn nghệ thuật thủ công. Năm 1954, trong một lần đến tiệm tranh Thủy Tiên để xin hồ về dán thủ công, tình cờ thấy những bức tranh gói vải treo trong tiệm. Được gia đình ủng hộ, với niềm đam mê bùng cháy, chàng trai 16 tuổi khi ấy quyết định nghỉ học và theo học nghề làm tranh gói vải.
Đến năm 1960, ông Tai mở tiệm tranh gói vải ở Sài Gòn với tên hiệu là Trúc Lam, đây được coi là thời hoàng kim của tranh gói vải. Tại đây, nghề tranh gói vải đã se duyên cho ông và vợ ông. Năm 1967, chiến tranh loạn lạc, cha mẹ sức khỏe yếu nên gia đình ông trở về quê, tại đây ông nhận làm tranh cho khách hàng ở nhiều tỉnh miền Tây. Ảnh: Một tác phẩm tạo hình bức tranh Bá Nha - Tử Kỳ bằng tranh gói vải của ông Tai.
Ông Tai cho biết: "Tranh gói vải là dòng tranh tạo hình nổi trên vải lụa hoặc vải gấm nổi tiếng một thời ở khắp Nam Bộ được hình thành từ thập niên 50 thế kỉ XX. Ban đầu, tranh gói vải đơn thuần là dòng tranh chuyên về chân dung để dùng trong thờ phụng, về sau tranh có thêm nhiều chủ đề phong phú, được sử dụng làm quà tặng trong các dịp đám cưới, mừng thọ, tân gia".
Theo ông Tai, cách tạo một bức tranh gói vải rất kì công và phải trải qua nhiều giai đoạn. Bắt đầu từ khâu phác thảo nền tranh, nét vẽ được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thể chính như người, con vật hoặc cây cối được dùng bông gòn tạo hình có độ nổi trên bề mặt, sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho giống thật nhất, cuối cùng gắn keo lên mặt tranh đã được vẽ nền.
Nếu là người thì phần mặt, tay chân sẽ được người thợ vẽ chi tiết như thật, là con vật thì được nghệ nhân vẽ thêm mắt mũi và sau đó được tô một loại bột màu pastel đặc trưng được ông sử dụng từ ngày mới vào nghề. “Với chất liệu này thì những bức tranh sẽ có tuổi thọ trên 60 năm” – ông Tai cho biết.
Tranh gói vải chân dung Phật được tạo hình hoàn chỉnh từ đôi tay khéo léo của ông Tai.
Liễng thờ được ông Tai tạo hình nghệ thuật từ tranh gói vải.
Trong suốt 68 năm theo đuổi nghề, nghệ nhân Hồ Văn Tai cùng vợ đã làm được hơn 3.000 bức tranh gói vải về chân dung nói riêng và hàng nghìn bức tranh phong cảnh khác. Tranh của ông có mặt từ Nam ra Bắc, một số tranh còn được kiều bào đem sang nước ngoài, phục vụ cho bảo tàng, phòng họp, triển lãm,…
Dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông Tai vẫn cùng vợ miệt mài với dòng tranh gói vải. Tuy trăn trở về sự mai một của dòng tranh này nhưng cũng đành ngậm ngùi vì nghề làm tranh vất vả, mất nhiều thời gian công sức, đòi hỏi người làm phải có năng khiếu mỹ thuật nên người trẻ ít ai chịu học. Vợ chồng ông cũng đang ấp ủ ước mơ tổ chức một cuộc triển lãm về dòng tranh gói vải để giới thiệu và cũng là cơ hội gợi nhớ lại quá khứ vàng son một thời của một dòng tranh dân gian Nam bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn