MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ghé thăm ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập

THANH NGA LDO | 02/09/2020 12:10

Nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Ngôi nhà nay được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu và đã trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng.

Nhà 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.
Căn nhà này của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành đảng viên cộng sản. Ông là thành viên tích cực tham gia phong trào Việt Minh và là cơ sở bí mật của ông Nguyễn Lương Bằng. Trong thời gian Bác Hồ về ở và làm việc tại căn nhà 48 Hàng Ngang, từ ngày 25.8 đến đầu tháng 9.1945, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Bác Hồ từng bày tỏ gia đình là ân nhân của cách mạng. Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước.
Hiện vật được trưng bày ở hai tầng, tầng một của ngôi nhà trưng bày một đồ của Bác như bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, các di ảnh và một số đồ vật của các bậc lão thành cách mạng. Khu tầng hai là nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương, nội thất và các hiện vật đều được giữ nguyên vẹn.
Bộ quần áo kaki mà Chủ tịch Hồ Chí minh đã mặc trong lễ Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945.
Lời kêu gọi nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợi cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17.7.1966.
Ảnh chụp hình ảnh những người làm việc cùng Bác tại căn nhà 48 Hàng Ngang.

Hành lang trên tầng hai, căn phòng nơi bác soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ảnh chụp căn phòng Bác dùng tiếp khách, bàn bạc công việc.
Phòng ăn của gia đình trước đây đã được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Giữa phòng là chiếc bàn gỗ hình chữ nhật với 8 chiếc ghế tựa phủ vải trắng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời vào ngày 2.9.1945.
Đây là bàn ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng ở đây làm việc, hoạt động cách mạng.
Chiếc bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập. 75 năm trôi qua, chiếc bàn và tất cả hiện vật tại đây đều được bảo tồn và lưu giữ vẹn nguyên.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra căng thẳng, du khách đến tham quan vẫn chấp hành tốt những quy định của Bộ Y tế, đeo khẩu trang và xịt khử trùng để bảo vệ an toàn cho mình và cộng đồng. Bạn Nguyễn Văn Nam, du khách đến tham quan chia sẻ: “Sau khi đi xem lễ hạ cờ buổi sáng ở quảng trường Ba Đình thì mình đã đến đây để tìm hiểu và muốn tận mắt chứng kiến ngôi nhà mà Bác đã từng viết ra bản Tuyên ngôn độc lập. Mình cảm thấy rất xúc động và tự hào vô cùng".
Để bảo quản và phát huy các kỷ vật vô giá tại di tích 48 Hàng Ngang, đại diện Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, các hiện vật đều được bảo quản theo đúng quy trình. Đồng thời, Ban Quản lý còn nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung nhiều tư liệu, hiện vật để phát huy giá trị của di tích 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà và những kỷ vật gắn liền với Bác đã và đang được gìn giữ, phát huy để xứng đáng là di tích lịch sử thiêng liêng, là nơi để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và niềm tự hào của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn