MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giao thông Bình Dương nhìn từ trên cao sau 20 năm phát triển

ĐÌNH TRỌNG LDO | 30/04/2023 14:21

Hạ tầng giao thông Bình Dương được đánh giá là phát triển nhất trong số các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Bình Dương vẫn đang tiếp tục nâng cấp mở rộng các tuyến đường hiện hữu và thực hiện thêm các đường, cầu kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Đây là quốc lộ 13 đoạn giáp ranh thành phố Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tuyến đường này kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM và Bình Phước được mở rộng từ năm 2002. Trước đây, quốc lộ 13 là trục giao thông chính của Bình Dương. Hiện tuyến đường này có 6 làn xe chạy và đang thực hiện dự án nâng cấp mở rộng lên 8 làn đường đoạn từ giáp ranh TPHCM đến TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài khoảng 12,7km.
Bên cạnh dự án mở rộng, quốc lộ 13 cũng đang được nghiên cứu xây dựng thêm cầu vượt ở các nút giao thông lớn, đông xe như: nút giao đại lộ Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, nút giao thông Hòa Lân, xây hầm chui tại ngã năm Phước Kiến (giao giữa quốc lộ 13 và đường Huỳnh Văn Cù nối sang Củ Chi, TPHCM), hầm chui tại ngã tư Chợ Đình (giao giữa quốc lộ 13 và đường Phú Lợi).
Đây là nút giao ngã tư 550, năm 2022 đã xây dựng xong cầu vượt trên đường ĐT 743.
Dự án mở rộng đường ĐT 743 lên 6 làn xe sắp hoàn thành sau nhiều năm triển khai. Tuy nhiên do lượng phương tiện quá đông, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ngoài các dự án trên, ở phía Nam tỉnh Bình Dương đang triển khai giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM kết nối Bình Dương với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Đây là đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn từ vòng xoay Định Hòa (Thủ Dầu Một) đến ngã 3 Tân Vạn (Dĩ An) có 6 làn xe được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuyến đường này chuyên chở hàng hóa từ nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương về các trung tâm logistics ở TPHCM.
Phía Nam tỉnh Bình Dương, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn với 6 làn xe cũng đã trở nên quá tải với lưu lượng xe quá lớn. Hàng ngày khu vực ngã 6 An Phú thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Trong khi giao thông ở phía Nam tỉnh Bình Dương đang bị quá tải thì giao thông ở phía Bắc Bình Dương lại thông thoáng. Nhiều tuyến đường được xây dựng từ 6-10 làn xe chạy.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn Bến Cát và Bàu Bàng đều được đầu tư quy mô 10 làn xe chạy.
 Đây là nút giao Mỹ Phước - Tân Vạn với quốc lộ 13 tại Bàu Bàng. Từ tháng 6.2021, các phương tiện có thể lưu thông xuyên suốt trên đường Mỹ Phước Tân Vạn dài 52km từ ngã ba Tân Vạn giao nhau với Quốc lộ 1A đến khu công nghiệp Bàu Bàng.
 Trong ảnh là cây cầu vượt sông Sài Gòn kết nối Bình Dương với Tây Ninh đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022 đầu 2023. Dự án đi vào hoạt động thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của 2 tỉnh.  Hiện tỉnh Bình Dương đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm đường, cầu vượt qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để các tỉnh Đông Nam Bộ kết nối với nhau thuận tiện hơn. 
Tuyến đường Vành đai 4 TPHCM cũng đã được đầu tư xây dựng đoạn qua KCN Mỹ Phước, thị xã Bến Cát. Các đoạn khác cũng được quy hoạch, bố trí đất, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện dự án này. Trong giai đoạn từ nay đến 2030, dự kiến đường Vành đai 3,4 TPHCM được xây dựng. Đồng thời, lúc này các cầu vượt qua sông Đồng Nai và Sài Gòn cũng sẽ hoàn thành giúp giao thông Bình Dương hoàn chỉnh hơn, kết nối linh hoạt hơn với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn