MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên vùng cao chênh vênh trên những con đường đến lớp

THÀNH CHƯƠNG - Ngọc mai LDO | 08/08/2022 12:09
Điện Biên - Năm nào cũng vậy, đầu tháng 8 là các giáo viên vùng cao lại phải đến trường để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Những con đường núi cách trở, gập ghềnh, chênh vênh và mờ mịt không ngăn được những trái tim đầy tình thương và trách nhiệm... 
 Giáo viên vùng cao - đó là một cụm từ bao hàm đầy đủ nhất những khó khăn vất vả của những người giáo viên công tác tại vùng cao, vùng sâu...
Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị bước vào năm học mới, họ phải đến trường, đến lớp sớm hơn so với kế hoạch năm học của các vùng miền khác để rà soát và sửa sang cơ sở vật chất, đặc biệt là tại các điểm bản.

This browser does not support the video element.

Giáo viên vùng cao - chênh vênh trên những con đường đến trường.
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của hầu hết các huyện miền núi còn chưa hoàn thiện, đặc biệt là các đường liên xã, liên bản liên tục xuống cấp và sạt lở trong mùa lũ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và bất trắc.
Đường nối từ xã Chà Cang - Xã Nậm Tin – Nà Khoa thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là một trong những con đường như vậy.
Tại khu vực này trước đây vốn có 1 cây cầu bê tông nhưng bị hư hỏng từ năm 2018. Sau đó chính quyền địa phương đã làm tạm một ngầm tràn, cống bi để người dân qua lại. (Ảnh tư liệu)
Thế nhưng năm nào cũng vậy, chỉ sau 1 vài trận mưa, nước lũ tràn về ngầm tràn lại bị cuốn trôi. Người dân, giáo viên và các lực lượng lại phải chung sức nhanh chóng làm cầu tạm để qua suối. (Ảnh chụp tháng 7.2021)
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo UBND xã Chà Cang cho biết “Năm nào ngầm tràn cũng bị lũ cuốn trôi, UBND xã đã trình huyện Nậm Pồ để xin phương án khắc phục. Tuy nhiên do huyện chưa bố trí được kinh phí nên việc sửa chữa, nâng cấp chưa được thể hiện”.
Theo tìm hiểu của PV, để làm 1 cây cầu cứng qua vị trí này cần có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Trong khi đó Nậm Pồ là một huyện nghèo mới được chia tách, thành lập nên chưa thể bố trí nguồn để thực hiện.
Với số tiền khoảng 20 tỉ đồng cũng vượt quá khả năng của các đơn vị tài trợ, do vậy từ nhiều năm nay, cứ đến mùa lũ là giáo viên và người dân lại lo nơm nớp.
Những đôi chân lấm bùn của giáo viên vùng cao trên con đường lầy lội.
Và những “bánh xe đất” quen thuộc đã trở thành một thứ “đặc sản” của vùng cao.
Thế nhưng, vượt qua tất cả, những thầy giáo, cô giáo vùng cao vẫn có mặt kịp thời tại các bản xa xôi để cùng người dân sửa sang trường lớp học, sẵn sàng đón các em thơ bước vào năm học mới...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn