MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giữ lửa làng nghề mộc Tiền Phong trên quê hương Bác Hồ

PHẠM THÔNG LDO | 18/05/2024 09:12

Trong những làng nghề mộc ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), nổi tiếng nhất là làng nghề mộc xóm Tiền Phong (xã Xuân Hòa). Những người thợ mộc Tiền Phong đã tạo ra những sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng, khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Làng nghề mộc xóm Tiền Phong (Xuân Hòa, Nam Đàn, Nghệ An) có 22 hộ chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng như: giường, tủ, sập, bàn ghế và một số sản phẩm mỹ nghệ khác. Trung bình mỗi năm, làng nghề này tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động.
Nghề mộc ở làng Tiền Phong có từ khoảng vài chục năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ nhiệm HTX làng nghề mộc xóm Tiền Phong, năm 2014, Tiền Phong được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận làng nghề. Đường vào làng nghề nằm gần quốc lộ 46, rất thuận tiện cho việc giao thương. Nhiều năm trở lại đây, các chủ xưởng tập trung đầu tư máy móc, công cụ sản xuất hiện đại.
Anh Nguyễn Lễ Ngọc (44 tuổi) - một chủ cơ sở làm gỗ đã có thâm niên gần 50 trong nghề - kể: “Ngay từ ngày bé, tôi được thấy ông cùng bố lấy gỗ về rồi chạm khắc, đục đẽo, sau đó biến thành những món đồ có ý nghĩa. Từ ngày ấy tôi đã ước mơ trở thành một người thợ mộc“.
Cơ sở của gia đình anh Ngọc hiện có gần 10 thợ lành nghề. Mỗi lao động sẽ chuyên phụ trách một công đoạn nhất định. Cơ sở của anh nhận hàng do khách đặt từ khắp mọi miền.
Anh Nguyễn Thành Nam (SN 1988) cho biết, thu nhập bình quân của một người thợ mộc lành nghề từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, có thể nhận mức lương cao hơn tùy thuộc vào tay nghề.
Anh Phan Nhân (52 tuổi) cho biết, sản phẩm chủ yếu của ông liên quan đến văn hóa tâm linh như bàn thờ, hậu sự và một số sản phẩm liên quan khác. Khách hàng gần xa ưa chuộng sản phẩm của ông bởi những đường nét chạm trổ hoa văn tinh xảo và bằng những loại gỗ phù hợp như mít, dổi, chiều được khách hàng dù là khách khó tính nhất.
Làng nghề hiện có một số hộ đầu tư máy đục, khắc, tiện vi tính. Đây là loại máy hiện đại giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra các đường nét tinh xảo. Anh Nguyễn Quang Hùng (38 tuổi) – chủ cơ sở điêu khắc gỗ vi tính Quang Hùng chia sẻ: “Từ những năm 2018, cơ sở của tôi còn làm mọi thứ bằng thủ công. Năm 2020, tôi bắt đầu tìm hiểu về công nghệ điêu khắc bằng vi tính, cộng thêm tham khảo một số hộ đã áp dụng công nghệ trong làng, nhận thấy tính hiệu quả của công nghệ này, tôi đã đầu tư, nhập máy móc về làm. Máy khắc có giá từ 120 – 180 triệu đồng, chi phí bảo dưỡng rẻ , chỉ mất thêm tiền mua bản vẽ thiết kế. Ngoài ra, làm máy chỉ cần 2 người vận hành và làm việc, đào tạo nửa tháng thì một thợ đã có thể vận hành máy”.
Anh Hùng cho biết, nếu như trước đây để làm một bàn thờ theo cách làm thủ công thì phải mất gần nửa tháng. Thế nhưng khi áp dụng công nghệ, khắc bằng máy với số lương 4 máy làm liên tục thì chỉ mất hơn một ngày là đã hoàn thành. Cộng thêm việc bàn thờ làm thủ công có giá từ 1,5 – 1,8 triệu đồng, nhưng làm bằng máy thì chỉ mất 700 – 800 nghìn đồng.
Phun sơn cũng là một khâu rất quan trọng trong quy trình chế tác đồ gỗ, quyết định đến 70% độ bền đẹp của sản phẩm sau này.
Mặt hàng được sản xuất nhiều nhất ở làng nghề là tủ, bàn ghế, làm từ các loại gỗ như: lát, hương... với giá bán trung bình từ 15-40 triệu đồng/bộ. Theo ông Phan Nhân, một bộ tủ như trong hình có giá 15 triệu đồng. Sau khi hoàn thành sẽ vận chuyển bằng xe tải. Các sản phẩm của làng nghề mộc Tiền Phong được xuất bán đến nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum...
Những sản phẩm được thợ mộc hoàn thiện với nhiều chi tiết cầu kỳ, tỉ mỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn